menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 27/11/2014

15:19 27/11/2014

​Nông sản Đà Lạt tăng giá; Hàng tết ra thị trường sớm;Phân bón: cung tăng nhưng cầu tăng chậm

​Nông sản Đà Lạt tăng giá

Giá nhiều loại nông sản, chủ yếu rau củ tại Đà Lạt và vùng lân cận, tăng đột biến thời gian gần đây.

Ghi nhận tại chợ Đà Lạt cho thấy củ dền có giá 21.000-25.000 đồng/kg, tăng 7.000-12.000 đồng/kg; hành tây 35.000-40.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với tháng trước; tỏi tía cũng tăng 20.000-30.000 đồng lên tới 90.000-100.000 đồng/kg...

Trưởng phòng kinh tế - huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng), cho biết sau mùa mưa, nhiều loại nông sản không được canh tác trong nhà kính bị hư hại, năng suất sụt giảm nghiêm trọng khiến lượng hàng lưu thông trên thị trường bị thiếu hụt, đẩy giá tăng cao.

Hàng tết ra thị trường sớm

Chiều 26-11, ngày hội tung hàng tết do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng Sở Công thương TP.HCM tổ chức đã diễn ra sớm hơn mọi năm

Nhiều nhà sản xuất tham gia ngày hội cho biết đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa với mẫu mã, bao bì được làm mới nhằm thu hút người tiêu dùng. Các doanh nghiệp tham gia ngày hội, từ thực phẩm như nước mắm Liên Thành, Saigon Food, Bidrico... đều chọn các loại giỏ quà biếu tặng làm điểm nhấn trong năm nay.

Với mức giá 45.000-600.000 đồng/giỏ quà tết, hàng hóa gần như đã sẵn sàng để bung ra thị trường. Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết đã chuẩn bị 7.000-10.000 giỏ quà cháo tổ yến phục vụ mùa tết.

Dù sức mua dự báo không tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chuẩn bị lượng hàng gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Công ty nước mắm Liên Thành cho biết đã tăng sản lượng khoảng 10% so với năm trước.

Các sản phẩm làng nghề truyền thống như Hải Lý, chả hoa Năm Thụy sản lượng dự tính cũng gấp đôi so với năm trước.

Bên cạnh các sản phẩm đặc trưng, nhiều đơn vị cũng đưa ra thị trường các sản phẩm mới cho đợt tết như cháo tổ yến, khô cá sặt, củ sen sấy khô, phở chay nấm hương, phở chay rau thơm, các loại bánh tét nếp cẩm nhân đậu có hình chữ phát tài...

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, 15 doanh nghiệp từ các tỉnh miền Tây cũng đem đến nhiều sản phẩm làng nghề đặc trưng như lạp xưởng bò, rượu nếp, lạp xưởng bò kho nướng... nhận được nhiều phản ứng tích cực từ tiểu thương, người tiêu dùng tham gia buổi kết nối.

Trong khi đó, nhiều tiểu thương cho biết đang lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa mùa tết. Theo chị Trần Thị Chiều (chợ Văn Thánh, Q.Bình Thạnh), trước mắt mới chỉ làm việc với 2-3 nhà sản xuất để nhập các sản phẩm thực phẩm đóng gói, ăn liền như cháo, phở, các loại lẩu mới...

Phân bón: cung tăng nhưng cầu tăng chậm

Thị trường phân bón nội địa trong vòng một tháng trở lại đây nhìn chung khá ổn định. Nhu cầu phân bón đã gia tăng tại một số địa phương khu vực ĐBSCL nhằm phục vụ cho vụ Đông Xuân nhưng vẫn chưa cao, hoạt động giao dịch còn khá ảm đạm.

Giá nhiều mặt hàng phân bón tại các khu vực không giao động nhiều. Riêng mặt hàng ure có sự điều chỉnh giảm tại đa số các khu vực như ĐBSCL, miền Trung. Trong khi đó nguồn cung vẫn tiếp tục được bổ sung cả từ hoạt động sản xuất, nhập khẩu và tồn kho.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, sản xuất phân bón ure của Việt Nam trong tháng 10-2014 ước đạt khoảng 1,81 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2013; sản xuất phân lân đạt 1,30 triệu tấn, giảm 0,8%; sản xuất NPK đạt 2,01 triệu tấn, tăng 2,7%; sản xuất DAP đạt 225.350 tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Ngoài ra, trong tháng 11-2014, liên tục có tàu phân bón cập cảng Sài Gòn/Hải Phòng. Theo thông tin mới nhất, ngày 17-11 có tàu 4.700 tấn DAP Trung Quốc; 18-11 tàu ure Trung Quốc 9.018 tấn; ngày 20-11 có 6.600 tấn NPK Hàn Quốc cập cụm cảng Sài Gòn.

Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân DAP của Việt Nam trong 10 tháng 2014 đạt khoảng 873.000 tấn, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013; NPK đạt 220.820 tấn, giảm mạnh 43,7%; SA đạt 786.270 tấn, giảm 15,1%; ure đạt 189.890 tấn, giảm mạnh 71,8%; kali đạt 846.090 tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy tính chung 10 tháng đầu năm 2014 nhập khẩu phân bón đạt khoảng 3,27 triệu tấn, kim ngạch 1,07 tỉ đô la Mỹ, giảm 13,6% về lượng và giảm 23,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2013.

Dự kiến khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12-2014 nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh bởi nhiều địa phương vào chính vụ Đông Xuân. Đồng thời nhu cầu chăm bón cho cây công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên cũng sẽ trở lại trong nửa cuối tháng 12-2014. Nhu cầu gia tăng trong khi nguồn cung vẫn tiếp tục được bổ sung. Giá các mặt hàng phân bón nhiều khả năng sẽ khá ổn định hoặc dao động nhẹ quanh biên độ giá như hiện nay.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn: tuoitre.vn, thời báo kinh tế Sài Gòn online

Nguồn:Vinanet