menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 4/9/2012

15:58 04/09/2012

Giá gạo nội địa tăng nhẹ. Giá gạo nguyên liệu loại 1 và loại 2 tăng 200 – 350 đ/kg, lên quanh mức 5.800-7.600 đ/kg tại Hậu Giang; tại An Giang ở mức 7.600-7.740 đ/kg; Giá tiêu ngày 4/9/2012 tăng 1.000 đồng lên 123.000 -125.000 đ/kg tại Chư Sê (Gia Lai) và Đắk Lăk – Đắk Nông, Bình Phước. Giá tiêu đen tại Bà Rịa-Vũng Tàu ở mức 127.000 đồng/kg...
  
  

 

Lúa gạo

Giá gạo nội địa tăng nhẹ. Giá gạo nguyên liệu loại 1 và loại 2 tăng 200 – 350 đ/kg, lên quanh mức 5.800-7.600 đ/kg tại Hậu Giang; tại An Giang ở mức 7.600-7.740 đ/kg.

Gạo thành phẩm xuất khẩu 5% và 25% tấm tăng 190-230 đ/kg lên mức 8.080-9.000 đ/kg tại An Giang và Hậu Giang là 7.850-8.850 đ/kg.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trước ngày 10/9/2012 nhằm hoàn thiện Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, dự thảo Quy chế nhằm mục đích hỗ trợ nông dân trồng lúa tạm trữ lúa, gạo và doanh nghiệp mua tạm trữ lúa, gạo trong vụ Đông Xuân và Hè Thu nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong chính vụ thu hoạch, nâng cao giá bán và thu nhập cho nông dân. Đối tượng ưu tiên là các hộ trồng lúa ở ĐBSCL; các doanh nghiệp sản xuất lúa; các doanh nghiệp kinh doanh lương thực tại các tỉnh ĐBSCL hợp đồng mua lúa, gạo trực tiếp với nông dân.

Thời điểm triển khai tạm trữ lúa, gạo dự kiến vào các tháng 2, 3 và 4 trong vụ Đông Xuân và các tháng 7, 8, 9 trong vụ Hè Thu đối với các hộ nông dân được tạm trữ định kỳ thường xuyên. Đối với các doanh nghiệp sản xuất lúa, kinh doanh lương thực mua tạm trữ khi giá lúa, gạo trên thị trường giảm dưới giá định hướng của Bộ Tài chính (giá lúa giảm làm lợi nhuận người trồng lúa không đạt 30% so với giá thành sản xuất) hoặc khi lượng lúa hàng hóa tồn đọng lớn, trong khi việc tiêu thụ khó khăn. Khối lượng tạm trữ với vụ Đông Xuân tối đa là 1 triệu tấn quy gạo, với vụ Hè Thu tối đa là 1,5 triệu tấn quy gạo. Thời gian tạm trữ từ 1 đến 3 tháng kể từ thời điểm được vay vốn tạm trữ. Các cơ chế hỗ trợ tài chính đối với hộ nông dân và doanh nghiệp cũng được nêu rõ như: Hộ nông dân trồng lúa tạm trữ lúa, gạo được ngân hàng cho vay vốn; lượng lúa, gạo tạm trữ là tài sản thế chấp để vay vốn sản xuất lúa vụ sau. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ nông dân, doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa 3 tháng...

Giá hồ tiêu có dấu hiệu phục hồi

Giá tiêu ngày 4/9/2012 tăng 1.000 đồng lên 123.000 -125.000 đ/kg tại Chư Sê (Gia Lai) và Đắk Lăk – Đắk Nông, Bình Phước. Giá tiêu đen tại Bà Rịa-Vũng Tàu ở mức 127.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo giá hồ tiêu có khả năng tăng từ giữa tháng 9/2012 và có thể lên 140.000 đồng/kg tiêu đen.

Nguyên nhân là vào thời điểm cuối năm nhu cầu từ các nước tăng trong khi nguồn cung lại không nhiều.

Trong tháng 8, giá hồ tiêu thế giới có xu hướng giảm nhẹ, qua đó tác động đến giá trong nước dao động bình quân ở mức 119.000 đồng/kg (tiêu đen), giảm 3.000 đồng so với tháng 7. Nhưng theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhiều khả năng từ giữa tháng 9 giá hồ tiêu sẽ tăng trở lại.

Do giá thấp nên theo VPA, lượng hồ tiêu còn trong dân khoảng vài chục nghìn tấn chưa bán. VPA dự báo giá hồ tiêu có khả năng tăng từ giữa tháng 9/2012 và có thể lên 140.000 đồng/kg tiêu đen.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng tiêu xuất khẩu trong 8 tháng của năm 2012 là 83.000 tấn, kim ngạch đạt 581 triệu USD, giảm 16,7% về lượng nhưng lại tăng 3,7% về giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, do nguồn cùng trong nước hạn chế nên lượng hồ tiêu xuất khẩu trong 4 tháng còn lại sẽ giảm so với những tháng đầu năm.

Giá cà phê trong nước tăng thêm 300 nghìn đồng/tấn

Sáng 4/9/2012, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giao dịch tại 42,5-42,6 triệu đồng/tấn, tăng thêm 300 - 400 nghìn đồng/tấn so với cuối tuần trước.

Giá cà phê thế giới đồng loạt tăng khá kéo giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (TPHCM) cũng được điều chỉnh tăng 15 USD lê 2.070 USD/tấn.

Trong nước, giá cà phê được điều chỉnh tăng theo giá tại sàn London, giao dịch mua bán tiếp tục diễn ra rất trầm lắng trong những ngày gần đây. Việt Nam sẽ bước vào vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 10 tới. Dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2012-2013 của Việt Nam có thể giảm 10% so với niên vụ trước do thời tiết bất lợi và cây già cỗi.

Tại sàn New York, giá cà phê arabica phục hồi phiên thứ 2 liên tiếp sau khi chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gợi ý đưa gói kích thích kinh tế mới.

Các yếu tố khác nhìn chung vẫn không hỗ trợ giá tăng. Nhu cầu yếu trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất lớn nhất đang dồi dào. Tuần qua, nông dân Cuba đã cho thu hoạch sớm được khoảng 5.000 tấn cà phê do lo ngại bão Isaac có thể ảnh hưởng đến chất lượng quả. Hãng tin Reuters cho biết thời tiết thuận lợi năm nay hứa hẹn đem đến cho Brazil một vụ mùa bội thu và chất lượng quả tốt. Tính trong tháng 8, giá cà phê arabica trên sàn ICE giảm 7%.

Giá đường trong nước tiếp tục giảm mạnh

Giá đường bán buôn tại các nhà máy mới đi vào sản xuất lẫn đường tồn kho của niên vụ cũ, giảm từ 16.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, giá đường RE hiện đang ở mức 23.500 đồng/kg, tương đương với thị trường TPHCM. Tại Cần Thơ là 22.500 đồng/kg trong khi tại Đà Nẵng mức giá khá cao 24.500 đồng/kg.

Theo báo cáo tình hình nông nghiệp 8 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới ngày 15/8, lượng đường tồn tại kho các nhà máy lên tới 178.100 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 28.400 tấn.

Trong khi đó, dự kiến của bộ này trong niên vụ mía đường 2012-2013 với diện tích trồng mía của cả nước sẽ vào khoảng 300.000 ha, sản lượng đạt 18,9 triệu tấn mía và các nhà máy sẽ sản xuất được gần 1,6 triệu tấn đường. Như vậy, ngoài cung cấp cho tiêu dùng nội địa, nguồn cung vẫn còn dư trên 200.000 tấn, chưa tính 70.000 tấn đường nhập khẩu theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đó là chưa kể đến đường Thái Lan thẩm lậu qua đường biên giới Campuchia hoặc lợi dụng kẽ hở của hoạt động tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu mà theo ước tính có thể lên đến vài trăm nghìn tấn.

Như vậy, tổng lượng đường có hiện nay đảm bảo dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng đường tháng 9 và 10/2012. Dự báo vụ mới nếu như đường nhập lậu không được ngăn chặn, nguồn cung dư thừa làm giá đường trong nước có nguy cơ tiếp tục giảm.

Giá tôm tại Bạc Liêu tăng trở lại

Sau thời gian dài giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, làm các hộ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp bị lỗ nặng, thì mới đây giá tôm tăng trở lại, tạo không khí phấn khởi cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Theo các chủ hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu, khoảng một tuần nay, giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại, trung bình tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại.

Cụ thể, tôm sú loại 20 con có giá từ 195.000-200.000 đồng/kg, loại 25 con giá từ 175.000-180.000 đồng/kg, loại 30 con giá từ 120.000-125.000 đồng/kg, tôm thẻ giá 105.000-110.000 đồng/kg, tôm đất 70.000 đồng/kg.

Tuy giá tăng chưa bằng lúc đỉnh điểm nhưng với xu hướng này, người nuôi tôm đã bắt đầu tháo bỏ được tâm lý chán nản, tái đầu tư, an tâm sản xuất trở lại.

Giải thích về việc giá tôm tăng trở lại, theo các đại lý kinh doanh thu mua tôm ở Bạc Liêu, nguồn tôm nguyên liệu đang hút hàng, nguồn cung thiếu trong khi cầu tăng, dẫn đến tăng giá. Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm khoảng 125.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp 15.000 ha. Do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, dịch bệnh, đã làm hơn 13.000 ha tôm nuôi cả công nghiệp, bán công nghiệp bị thiệt hại khoảng 8.000 ha. Riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp thiệt hại 100% năng suất, tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến từ 30-50% năng suất.

 

Nguồn:Vinanet