menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng xa xỉ có thể suy thoái vào năm 2009

09:22 17/11/2008
Thị trường hàng xa xỉ cho tới nay vẫn tăng trưởng bình thường, nhưng người ta cho rằng có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
Tờ Le Monde của Pháp số ra ngày 14/11 dẫn báo cáo của Công ty tư vấn chiến lược kinh doanh Bain&Company cho biết, lần đầu tiên kể từ năm 2003, lĩnh vực này có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2009. Năm 2008, doanh thu bán hàng xa xỉ trên thế giới chỉ tăng 3%, lên 175 tỷ euro, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9% của năm 2007. Dự báo, con số này của năm 2009 sẽ chỉ đạt khoảng 2%.
Bain&Company có trụ sở tại Milan (Italia) đã đưa ra các đánh giá trên dựa trên phân tích kết quả kinh doanh của 220 công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Tác giả của báo cáo, bà Claudia d'Arpizio, cho biết: "Tác động của khủng hoảng tài chính sẽ nhấn chìm toàn ngành trong suy thoái. Mức độ và thời gian kéo dài của tình trạng này sẽ phụ thuộc vào cách thức các công ty phản ứng ra sao. Chịu đựng tốt nhất là các công ty có nhãn hiệu quốc tế mạnh và đa dạng hoá sản phẩm".
Báo cáo cũng ghi nhận các thị trường lớn, chiếm 80% doanh số hàng xa xỉ thế giới, đã đi xuống ngay từ năm 2008. Tại Nhật Bản, nơi thị trường hàng xa xỉ đã rơi vào suy thoái từ năm 2007, sẽ tiếp tục giảm sút mạnh hơn trong năm 2008, do đồng yên giảm giá so với euro. Lượng mua sắm hàng hoá có giá trị tương đối thấp hơn (như nước hoa, giày dép) đã giảm mạnh. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2008 của hàng xa xỉ tại châu Âu, thị trường lớn nhất thế giới (chiếm 38% thị phần), sẽ chỉ còn một nửa (5%) so với năm trước (10%), trong khi tại Mỹ, ngành công nghiệp này cũng phải trải qua năm trì trệ đầu tiên (0% năm 2008 so với 4% năm 2007), kể từ khi thị trường đi xuống năm 2001 do hậu quả của vụ khủng bố 11/9.
Ảnh hưởng của khủng hoảng tới các hãng cũng rất khác nhau: các nhãn hiệu tương đối phổ biến, như Coach hay Ralph Lauren, sẽ phải chứng kiến mức tăng trưởng giảm sút mạnh, trong khi các nhãn hiệu siêu cao cấp, như Hermes hay Loro Piana, sản phẩm ưa chuộng của giới thượng lưu, chỉ chậm lại chút ít (10% năm 2007 và 8% năm 2008).
Nhãn hiệu thời trang hàng đầu thế giới LVMH có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao 10% trong 9 tháng đầu năm và tiếp tục khẳng định xu thế này trong năm 2009, do tăng cường sự hiện diện trong nhiều lĩnh vực (rượu, đồng hồ, nước hoa, thời trang, đồ trang sức ..) và đa dạng hoá thị trường, mở rộng sang các nền kinh tế mới nổi. Tương tự, Gucci Group cũng được hưởng lợi do mở rộng bán hàng trên thị trường Trung Quốc. Nhãn hiệu thời trang thấp hơn một chút, Hugo Boss, đã phải xem xét lại mục tiêu tăng trưởng vào năm tới. L'Oreal, hãng đạt mức tăng trưởng hai con số suốt 24 năm nay, cũng sẽ phải bằng lòng với doanh số chỉ tăng 4% năm 2008. Cuối cùng, một biểu tượng của hàng xa xỉ Pháp là rượu sâm-panh, đã chứng kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 22% trong nửa đầu năm 2008.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam