menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường tiền tệ thế giới ngày 17/12/2008:USD giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua so với Euro

14:31 18/12/2008
Quyết định cắt giảm lãi suất từ mức 1% xuống mức từ 0-0,25 % của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 16/12 đã ngay lập tức khiến đồng USD chao đảo trên các thị trường tiền tệ thế giới, đẩy đồng bạc xanh xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua so với đồng yen trên thị trường Tôkyô và hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua so với đồng euro trên thị trường Luân Đôn.
 Đây là lần cắt giảm lãi suất lần thứ 10 của FED kể từ tháng 9/2007 đến nay, đưa lãi suất của Mỹ xuống mức thấp kỷ lục.Ngay sau khi FED cắt lãi suất cơ bản xuống 0%, tỷ giá USD/Euro giảm 3% xuống còn 1,4437 USD/Euro, và dừng ở mức 1,4924 USD/Euro khi kết thúc phiên giao dịch. So với  mức 1,2330 USD/Euro ngày 28/10/2008, USD mất giá 14%.
Đây là mức sụt giá lớn nhất của USD kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành năm 1999. Các nhà kinh tế nhận định xu hướng giảm giá của USD sẽ kéo dài đến cuối năm nay, và rất có thể sẽ xuống mức 1,50 USD/euro.
Cùng trong xu hướng giảm giá, đồng Bảng cũng tụt xuống mức kỷ lục so với Euro là 92,07 pence/euro sau khi Chính phủ Anh công bố số người thất nghiệp đã tăng từ 75.700 lên 1,07 triệu. Đây là mức gia tăng thất nghiệp lớn nhất kể từ 1991. So với USD, đồng Bảng đã giảm 1.1% xuống còn 1,5042USD/Bảng Anh.
Nhiều khả năng Chính phủ các nước sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm điều tiết tỷ giá. Năm 1995, khi USD giảm kỷ lục so với đồng Yên xuống 79,75 Yên/USD, các nước G7 đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ giá USD.
Sau khi cắt giảm lãi suất cơ bản, FED đang có kế hoạch mua lại các khoản nợ của doanh nghiệp, các chứng khoán có đảm bảo bằng thế chấp và có thể cả Trái phiếu Chính phủ.
Cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, Shoichi Nakagawa cho biết họ sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.
Chính phủ Nhật Bản đã  nói  bóng gió nói đến chuyện nước này đang cân nhắc một kế hoạch can thiệp nhằm hạ giá đồng yen, động thái mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã không làm trong gần 5 năm nay. Bởi một đồng yen mạnh hơn sẽ khiến xuất khẩu của Nhật Bản kém tính cạnh tranh hơn trên thị trường nước ngoài, và sẽ tác động đến các ngành có liên quan đến xuất khẩu.
Tại Tôkyô vào chiều 17/12, đồng USD đã có lúc giảm xuống chỉ còn 88,22 yen trước khi hồi phục lên 88,42 yen, nhưng vẫn giảm so với mức 88,98 yen trên thị trường Niu Yoóc vào cuối ngày 16/12. Đồng euro cũng nhảy lên 1,4113 USD USD so với 1,4018 của ngày hôm trước, ngấp nghé ngưỡng cao nhất trong 10 tuần trở lại đây. Đồng tiền châu Âu này cũng được đổi trao tay lấy 124,70 yen, tăng nhẹ so với 124,74 yen vào cuối ngày hôm trước trên thị trường Niu Yoóc.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shoichi Nakagawa cho hay ông hy vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ có các giải pháp tiền tệ cần thiết vào thời điểm này để ứng phó với tình thế. Trong khi đó, giới phân tích thị trường dự đoán khả năng BoJ cắt giảm lãi suất là 50-50.
Các nhà đầu tư tiền tệ hiện đang tập trung vào kế hoạch của Bộ Tài chính Mỹ nhằm mua lại các khoản nợ của chính phủ và các cổ phiếu cầm cố nhằm kích thích thị trường nhà ở tại nước này. Họ cũng dồn chú ý vào một báo cáo sắp được công bố của Morgan Stanley cũng như vào các chỉ số kinh tế Mỹ, trong đó có lĩnh vực bán lẻ và chỉ số giá cả, được công bố vào cuối tuần này.

Nguồn:Vinanet