menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường vàng thế giới năm 2009 và dự báo 2010

09:34 12/03/2010
Giá vàng trung bình năm 2009 là 972 USD/ounce, tăng 24,8% so với năm 2008. Dự báo giá vàng trung bình năm 2010 sẽ đạt 1.300 USD/ounce, sau đó sẽ tiếp tục tăng lên 1.500 USD/ounce.

Giá vàng kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2009 ở mức 1.096,20 USD/ounce và như vậy giá vàng tăng 24,8% trong năm 2009, mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 3 thập kỷ. Giá vàng trung bình năm 2009 là 972 USD/ounce.

Trong năm 2009, vàng tăng lên theo đà hồi phục kinh tế. Ngày 3-12-2009, giá vàng đạt kỷ lục 1.226,52 USD/ounce, so với giá vàng thấp nhất của năm trước đó là 682,47 USSD/ounce vào ngày 24-1-2008, tăng 80%. So với cách đây 10 năm, giá vàng tăng lên 487%. Ngày 25-8-1999, giá vàng thấp nhất trong năm là  252,1 USD/ounce

Giá vàng đã tăng đến năm thứ 9 liên tiếp, nguyên nhân chính là do đồng USD giảm và các Ngân hàng Trung ương tăng mạnh mua vàng. Năm 2007, giá vàng tăng 31%. Trong vòng một thập kỷ qua, vàng đã tăng giá 280%.

Tại thị trường vàng giao ngay chính thức, giá vàng đóng cửa ở mức 1.096,20 USD/ounce, trong năm 2009, giá vàng giao ngay tăng 218 USSD. Lần gần nhất giá vàng tăng cao hơn mức này là năm 1979, năm đó giá vàng tăng 286 USD/ounce.

Năm 2009, vàng đã tăng mạnh, với biên độ lớn và khá ổn định, do các ngân hàng trung ương, quỹ trợ cấp và các nhà đầu tư cá thể đổ xô vào thị trường này, coi vàng như một tài sản tích trữ an toàn trước những bất ổn về kinh tế sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái.

Khởi động năm 2009 với mức giá khoảng 880 USD/oz, giá vàng tăng khá đều đặn trong các quý 1, 2 và 3 rồi bứt phá mạnh trong quý 4 là xu hướng chính của giá vàng thế giới năm nay.

Thị trường thế giới năm 2009, mà chủ yếu là quý 4, cũng chứng kiến một số sự kiện gây sốc, có tác động mạnh đến giá vàng, trong đó khu vực Trung Đông có “đóng góp” khá tích cực. Đầu tháng 10, thế giới xôn xao trước tin đồn một số nước vùng Vịnh đang âm thầm bàn thảo một kế hoạch nhằm loại đồng USD ra khỏi giao dịch dầu lửa. Thông tin này sau đó đã bị các nước liên quan phủ nhận, nhưng cũng đủ đẩy tỷ giá USD thế giới sụt sâu, giúp giá vàng có những bước tăng tốc mạnh. Sau đó, đến cuối tháng 11, thị trường một lần nữa bất ngờ trước việc tập đoàn Dubai World của Dubai có nguy cơ vỡ nợ. Rủi ro về một cuộc khủng hoảng nợ ở thế giới Arab đã thúc đẩy giới đầu tư quay trở lại với trái phiếu kho bạc Mỹ và USD để tìm kiếm sự an toàn, kéo tỷ giá USD tăng và giá vàng quay đầu đi xuống. Nỗi lo về khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp gia tăng sau khi ba hãng định mức tín nhiệm Fitch, S&P và Moody’s đánh tụt hạng mức tín nhiệm nợ của nước này, cũng gây bất lợi cho giá vàng trong tháng cuối năm.

Giá vàng lên mức đỉnh cao 1.220 USD/ounce vào ngày 03/12 nhờ yếu tố các Ngân hàng Trung ương tăng mua vàng, thị trường lo ngại về việc các đồng tiền mất giá, lo ngại về lạm phát dài hạn bắt đầu từ các kế hoạch kích thích kinh tế. Mức giá này đã bỏ xa kỷ lục đóng cửa 1.002,8 USD/oz của năm 2008.
Điều đáng nói là giá vàng thế giới năm vừa qua lập kỷ lục giữa lúc khủng hoảng tài chính không còn căng thẳng như năm 2008, đồng thời rủi ro lạm phát cũng không phải là một mối lo lớn của hầu hết các quốc gia. Tuy không phát huy được tối đa vai trò “hầm trú ẩn an toàn”, giá vàng năm nay lại được hỗ trợ nhiều bởi chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng của nước Mỹ. Xu hướng suy yếu của tỷ giá USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục là nhân tố nâng đỡ tích cực nhất cho giá vàng trong năm. Thay vì là vàng, kênh đầu tư được xem là “vịnh tránh bão” hàng đầu năm nay trên thị trường thế giới chính là đồng USD. Trong hầu hết thời gian của năm, đồng “bạc xanh” được nâng đỡ mỗi khi có thông tin kinh tế bất lợi xuất hiện, và giảm giá khi có tin tốt.

Trong số các nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh năm 2009, các ngân hàng trung ương đã đóng một vai trò quan trọng. Trung Quốc có kế hoạch nâng dự trữ vàng của nước này lên 10 nghìn tấn trong 10 năm tới. Ấn Độ tăng gấp đôi dự trữ vàng bằng việc công bố 200 tấn vàng từ IMF.

Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết Trung Quốc đã trở thành nước mua nhiều vàng nhất thế giới trong năm 2009 với 454 tấn, đưa tổng số vàng dự trữ của ngân hàng trung ương nước này lên 1.054 tấn.

Theo WGC, giữa lúc có mối lo ngại ngày càng tăng về sự suy yếu của đồng USD, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tung ra khoảng 28 tỷ USD để mua vàng, với mức giá trung bình 978 USD/ounce.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã âm thầm tăng lượng dự trữ vàng. Năm 1981, Trung Quốc có 395 tấn dự trữ vàng, sau đó năm 2001 tăng 500.8 tấn và 600 tấn vào năm 2002.

Đến tháng 4/2009, Trung Quốc chính thức thông báo lượng dự trữ đã tăng lên 1054 tấn. Với con số này, Trung Quốc đã vượt qua Thụy Sĩ - nơi có dự trữ 1.040 tấn và trở thành nước có kho vàng lớn thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Đức, Pháp và Italy.

Tháng 11/2008, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết nước này dự định nâng lượng vàng dự trữ từ 600 tấn lên 4.000 tấn. Trong khi, lượng vàng tiêu thụ hàng năm của toàn thế giới cùng chỉ đạt 4.000 tấn, sản lượng khai thác mỗi năm là 2.500 tấn.

Các nước mua nhiều vàng nhất trên thế giới là các nền kinh tế đang nổi lên gồm Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, nhưng các nước nhỏ hơn như Philippines, Kazakhstan, Sri Lanka và Mexico cũng chuyển một phần dự trữ ngoại tệ của họ sang vàng. Giá trị của đồng USD đã giảm khi các nhà đầu tư thận trọng hơn với gánh nặng nợ nần khổng lồ của Mỹ và chiều hướng lạm phát có thể xảy ra. Trong khi đó, một số nước phát triển đã tận dụng cơ hội giá vàng tăng lên mức kỷ lục để giảm lượng dự trữ.

Trong đợt Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bán 403,3 tấn vàng, Ấn Độ đã mua 200 tấn, Sri Lanka mua 10 tấn, Maritus mua 2 tấn. Những động thái này đã tác động mạnh tới xu hướng thị trường vàng, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Không chỉ có vàng, các kim loại quý khác cũng đều có mức tăng khá mạnh trong năm 2009. Bạch kim đã tăng 58,7% - mức cao nhất kể từ 1987, palađi tăng 220% do kinh tế đang hồi phục - mức tăng cũng mạnh nhất kể từ 1987, cũng như kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh. Bạc cũng tăng kỷ lục với 49,1%. Kết thúc năm 2009, bạch kim đạt mức giá 1.471 USD/ounce, gấp đôi mức giá 422,20 USD/ounce hồi cuối năm 1999; palađi chốt năm ở mức giá 408,85 USD/ounce, giảm 9% so với năm 1999; còn bạc ở mức giá 16,845 USD/ounce, tăng gấp 3 so với mức 5,453 USD/ounce cuối năm 1999.

Tín hiệu của thị trường các kim loại quý đầu năm 2010 sẽ xoay quanh việc liệu đôla Mỹ có tiếp tục suy yếu hay không và việc các ngân hàng trung ương có giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hay không.

Ngân hàng JP Morgan dự báo vào những tháng đầu năm 2010, giá vàng sẽ từ 1.050-1.100 đô la Mỹ/ounce. Bank of America dự báo giá vàng trong năm 2010 sẽ tăng lên 1.150 đô la Mỹ/ounce. Deutsche Bank dự báo giá vàng sẽ từ 1.100 đô la Mỹ/ounce trở lên.

Nhà phân tích thị trường toàn cầu của Deutsche Bank, Gordon, nói: “Một yếu tố quan trọng khiến giá vàng trong năm 2010 tăng lên chính là quan hệ cung - cầu vàng của thế giới. Về tổng thể, cung sẽ không theo kịp cầu”.

Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Công nghiệp và Công ty chứng khoán CITIC (Trung Quốc) nhận định trong quý 1-2010, giá vàng sẽ trên 1.000 đô la Mỹ/ounce do chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được sử dụng tại một số nước. Đến quý 2-2010, lạm phát có thể khiến giá vàng lên đến 1.200 đô la Mỹ/ounce.

Nhà quản lý quỹ Midas Fund ở New York, Tom Winmill, còn lạc quan hơn nữa khi dự báo giá vàng trung bình năm 2010 sẽ đạt 1.300 USD/ounce, sau đó sẽ tiếp tục tăng lên 1.500 USD/ounce.

(Vinanet)

Nguồn:Vinanet