menu search
Đóng menu
Đóng

THỊ TRƯỜNG DA GIÀY THẾ GIỚI THÁNG 10/08

11:21 07/11/2008
           Không giống như các thị trường hàng hoá khác, thị trường da giày thế giới tháng 10 có những tín hiệu lạc quan hơn cả về giá cả lẫn cung cầu.
Giá:
         Tại Trung Quốc, tháng 10 là thời điểm bước vào mùa thu đông, thị trường da giày khá sôi động. Giá của các sản phẩm như giày dép và quần áo da vì thế tăng lên. Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Da Trung Quốc, các loại giày dép có kiểu dáng và màu sắc đẹp bán tại các siêu thị đã tăng 10% trong mùa thu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái. Hiện giá giày nữ tại đây có giá phổ biến từ 400-700 ND/đôi, giá bốt là 1000 NDT/đôi. Những sản phẩm có màu sắc bắt mắt và kiểu dáng thời trang, đặc biệt là loại gót thấp thì thu hút được đông đảo người tiêu dùng hơn. Doanh số bán các sản phẩm giày dép thời gian qua đã tăng 41%, so với mức tăng 9% trước đây.
          Cũng theo Hiệp hội Da Trung Quốc, trong mùa đông năm nay, giá quần áo da tại nước này sẽ tăng so với năm ngoái do nguồn cung giảm sút trong khi giá da nguyên liệu và chi phí sản xuất đều tăng. Xu hướng của chất liệu quần áo da tại Trung Quốc năm nay được biết sẽ chủ yếu làm từ da bò (tới 60%). Tuy nhiên, chính sách hạn chế sản xuất các sản phẩm gây hại đến môi trường của chính phủ nên nguồn cung da sẽ giảm sút trong năm nay, khiến giá các nguyên liệu này tăng lên.
          Tại Pháp, giá các sản phẩm da giày cũng tăng một cách đáng ngạc nhiên trong tháng qua bất chấp nhu cầu giảm. Theo báo cáo của cơ quan thống kê quốc gia Pháp, giá các sản phẩm da giày tại nước này đã tăng 2,8% trong tháng 10, sau khi giảm 1,9% trong tháng trước đó.
Mậu dịch:
            Mặc dù việc tiếp tục áp thuế bán phá giá đối với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc của EU ảnh hưởng đến xuất khẩu da giày của hai nước này, song đó lại là cơ hội tốt với các đối thủ cạnh tranh, trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Bănglađét.
             Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép Indonesia (Aprisindo) cho biết, nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cộng với lợi thế không bị áp thuế chống bán phá giá tại EU như Việt Nam và Trung Quốc, nước này vẫn sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay với kim ngạch 1,76 tỷ USD. Các đơn hàng xuất khẩu của nước này tới tháng 12/08 vẫn đảm bảo.          Ở Bănglađét, các nhà chức trách ngành giày da nước này cho rằng, Bănglađét đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu giày dép toàn cầu khi EU quyết định loại bỏ các điều kiện ưu đãi đối với hàng giày da xuất khẩu của Việt Nam kể từ tháng 1/2009 tới. Giày dép của Trung Quốc và Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường vì nhiều lý do trong đó có chi phí lao động tăng cao và bị rút bỏ GSP thì các sản phẩm cùng loại có giá rẻ hơn của Bănglađét lại càng có lợi thế.
            Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính toàn cầu đã gây ảnh hưởng lớn tới ngành da giày của các nước. Tuy nhiên, ngành da giày Thái Lan vẫn tin rằng, nhờ lợi thế so với Việt Nam và Trung Quốc khi EU duy trì quyết định nói trên, mặc dù những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ song xuất khẩu giày dép của họ vẫn sẽ đạt 33 tỷ USD như đã đề ra cho năm nay, với mức tăng trưởng 5%, nhờ các đơn hàng từ trước tháng 6. Còn Hiệp hội Da và Dệt may nước Ấn Độ thì cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến các mặt hàng xa xỉ hơn là đồ da mà nước này sản xuất và mục tiêu kim ngạch xuất khẩu da 4,68 tỷ USD trong tài khoá 2008/09 này là hoàn toàn có thể. Thị trường mà Ấn Độ hướng tới trong thời gian tới vẫn là châu Âu, trong đó đứng đầu là Đức, Anh, Italia và Mỹ.
            Tại Trung Quốc, việc EU gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da nước này đã gây ảnh hưởng mạnh song không vì thế mà khiến xuất khẩu của nước này giảm sút. Theo số liệu thống kê, trong tháng 9, xuất khẩu giày dép của Trung Quốc vẫn đạt mức tăng 17,5% với kim ngạch 2,66 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng tài chính làm nhu cầu sản phẩm da giày tại Mỹ giảm rõ rệt vì thế các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang chuyển hướng thị trường và nước này đặc biệt chú ý tới Indonesia và các nước châu Phi. Ngoài ra nước sản xuất đồ da lớn nhất thế giới này cũng tập trung xuất khẩu vào các nước mà hai bên đã có thoả thuận thương mại. Mới đây nhất là New Zealand, theo đó kể từ đầu tháng 10/08, đồ da và lông thú cùng hàng may mặc và nhiều hàng hoá khác của Trung Quốc xuất sang thị trường New Zealand sẽ được hưởng mức thuế bằng 0 nhờ FTA song phương.
            Tại Việt Nam, mặc dù xuất khẩu sản phẩm da giày cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá của EU, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn khả quan. Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày nước ta đạt 3,65 tỷ USD, so với kế hoạch 4,5 tỷ USD để ra cho cả năm. Xuất khẩu sang EU và Mỹ vẫn là những thị trường chủ lực.
Đánh giá chung:
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang gây sức ép ngày càng lớn tới hầu hết các nước trên thế giới. Nó đã làm cho sức tiêu thụ hàng hoá, trong đó có sản phẩm da giày, ở các thị trường chủ lực như Mỹ và châu Âu giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu. Tuy nhiên, các nước cũng đã có các kế hoạch nhằm giảm thiểu ảnh hưởng bằng việc chuyển hướng thị trường xuất khẩu, tìm đến các nước có chi phí sản xuất thấp hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Riêng đối với Trung Quốc và Việt Nam – hai nhà xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới - bị ảnh hưởng nhiều hơn do chi phí sản xuất đang tăng bên cạnh việc EU tiếp tục duy trì thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da.
Dự báo:
            Nhiều nước trên thế giới đang bước vào mùa tiêu thụ sản phẩm da giày lớn nhất trong năm, do vậy thị trường da giày thời gian tới được dự báo sẽ giữ nhịp độ hoặc sôi động hơn tháng qua cả về giá lẫn nhu cầu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ kìm hãm mức độ sôi động của thị trường.

Nguồn:Vinanet