Thái Lan: sửa đổi các tiêu chuẩn đối với tôm
Trách nhiệm và phúc lợi xã hội là hai trong số các tiêu chí quan trọng của dự thảo tiêu chuẩn Thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (GAP) sửa đổi nhằm đảm bảo cho ngành xuất khẩu tôm của Thái Lan.
Tiêu chuẩn GAP mới được Cục Thuỷ sản Thái Lan sửa đổi từ năm 2003 với mục đích nâng cao các tiêu chuẩn xuất khẩu và đảm bảo tôm đáp ứng yêu cầu về độ tươi theo đề nghị từ phía khách hàng. Các vấn đề như sản xuất tôm sạch, mang lại phúc lợi cao với môi trường nuôi không gây ô nhiễm, không sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức là những yêu cầu rõ ràng từ phía các nhà nhập khẩu mà người nuôi tôm Thái Lan phải tuân thủ.
Hiện, Thái Lan có hơn 17.000 trại nuôi tôm đáp ứng tiêu chuẩn CoC và GAP. Tuy nhiên, để đảm bảo vững chắc cho tương lai của ngành và vượt qua nhiều rào cản từ các thị trường nhập khẩu Cục Thủy sản Thái Lan đã yêu cầu.
Người nuôi tôm trong nước chỉ được phép nuôi không quá 150.000 tôm post/ao rộng khoảng 1.600m2. Tôm đạt kích thước 50 - 60 con/kg là thu hoạch. Đối với tôm thương phẩm cỡ lớn từ 40 - 50 con/kg thì lượng tôm post thả nuôi chỉ từ 80.000 - 100.000 con để tránh dịch bệnh.
“Tiêu chuẩn GAP mới là cách nâng cấp ngành xuất khẩu tôm Thái Lan để có thể đương đầu với các đối thủ như Việt Nam và Inđônêxia”, Varin Tanasomwang, Giám đốc Cục Nghiên cứu và Phát triển nghề cá ven biển Thái Lan cho biết.
Trong 3 năm tới, Thái Lan dự kiến tăng sản lượng tôm ít nhất 5% với mức tăng lần lượt là 525.000 tấn vào năm 2010, 551.000 tấn năm 2011 và 578.000 tấn năm 2012. Dự kiến xuất khẩu tôm cũng tăng nhẹ trong 3 năm tới do nền kinh tế của các nước nhập khẩu chính khôi phục chậm.
Các nhà xuất khẩu Thái Lan đang cố gắng cân bằng thị trường, giảm phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào bằng cách chỉ duy trì khối lượng xuất khẩu sang một thị trường đơn lẻ ở mức tối đa 45%/tổng lượng xuất khẩu. Hiện tại, Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu chính tôm Thái Lan và tiêu thụ 50% tổng lượng xuất khẩu tôm của Thái Lan.
Thái Lan: Xuất khẩu tôm sẽ tăng mạnh trong năm nay
Xuất khẩu tôm của Thái Lan dự kiến sẽ tăng ít nhất 8% trong năm 2010, do sản lượng tôm của Braxin và Inđônêxia giảm mạnh vì dịch bệnh, trong lúc lượng tôm cá đánh bắt ở Mỹ thấp hơn dự báo do ảnh hưởng của sự cố tràn dầu ở Vịnh Mêhicô.
Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan, Panisuan Jamnarnwej, nhận xét triển vọng xuất khẩu tôm đông lạnh trong năm nay có nhiều hứa hẹn, trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan nhận được lượng đơn đặt hàng cao trong quý I/2010. Xuất khẩu tôm đông lạnh trong ba tháng đầu năm 2010 của Thái Lan đạt 587 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Panisuan hy vọng xuất khẩu tôm của Thái Lan sang thị trường Mỹ sẽ tăng sau khi giới chức Mỹ cấm ngư dân ở Louisiana đánh bắt tôm cá sau vụ tràn dầu ở ngoài khơi. Năm ngoái, Thái Lan đã xuất khẩu 176.870 tấn tôm và sản phẩm tôm sang Mỹ, so với con số 90.000 tấn Mỹ nhập từ Inđônêxia.
Sản lượng tôm của Thái Lan được dự báo sẽ tăng từ 540.000 tấn năm 2009 lên 570.000-580.000 tấn năm 2010, trong đó xuất khẩu ước tăng 8% lên 350.000 tấn. Các nhà xuất khẩu thủy hải sản của Thái Lan đang lo ngại về chiều hướng đồng bạt tiếp tục lên giá so với đồng USD sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá Thái Lan và tác động đến thu nhập của nông dân
Năm 2009, Thái Lan dẫn đầu xuất khẩu tôm sang Mỹ với 176.870 tấn trong khi Inđônêxia xuất khẩu 90.000 tấn. Theo ước tính, sản lượng tôm nuôi của Thái Lan năm nay sẽ đạt 570.000 – 580.000 tấn, tăng so với 540.000 tấn của năm 2009; xuất khẩu đạt 350.000 tấn, tăng 8%, trị giá 2,2 – 2,5 tỷ USD.
Chính phủ Thái Lan cũng đang bị hối thúc giám sát chặt chẽ tiến trình của Trung Quốc sau khi trung tâm thuỷ sản tại Thượng Hải được thành lập. Đây là trung tâm thương mại của các sản phẩm thủy sản và có khả năng sẽ trở thành trung tâm thương mại toàn cầu dành cho các sản phẩm này.
Ông Panisuan cho biết: “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã ký hiệp định thương mại tự do năm 2010, do đó chúng tôi hối thúc các cơ quan chức năng Thái Lan và các khu vực tư nhân tìm cách mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung tâm thương mại của Thượng Hải cho các sản phẩm thủy sản là cơ hội tốt để thực hiện mục tiêu này.”
Ấn Độ: xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn
Liên minh Châu Âu (EU) quyết định thanh tra 20% sản phẩm thủy sản nuôi xuất khẩu của Ấn Độ sang thị trường này nếu EU phát hiện có sai phạm trong phương pháp kiểm soát và kiểm tra dư lượng. Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho biết, việc thanh tra dự kiến được triển khai từ tháng 4/2010.
Do tôm càng xanh nuôi nhiều lần bị từ chối nhập khẩu vào EU hồi đầu năm 2009, dẫn tới quyết định mở rộng kiểm tra ngẫu nhiên tất cả các sản phẩm thuỷ sản nuôi xuất sang thị trường này.
Ngành nuôi trồng thủy sản Ấn Độ tin rằng việc thanh tra này sẽ không gây khó khăn cho xuất khẩu tôm sú và tiến hành thanh tra thực địa tôm càng xanh ít nhất cũng giải quyết phần nào vấn đề này. Việc thanh tra thực địa đang được áp dụng cho tất cả các bang nuôi trồng thủy sản chính ở Ấn Độ.
Dù sao đi nữa, khi quyết định thanh tra được thực thi sẽ là rào cản lớn cho các nhà xuất khẩu thuỷ sản Ấn Độ nhưng lại là lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ sẽ ở thế bị động, họ không biết được liệu lô hàng của mình có bị kiểm tra tại cảng nhập hay không. Việc kiểm tra sẽ mất thời gian do đó, gây chậm chễ khi giao hàng tới nhà nhập khẩu, tới nhà bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng. Đây chính là cơ hội tốt cho các đối thủ cạnh tranh bởi họ không phải chịu những trở ngại này.
Xuất khẩu sang EU nhiều hơn 2 lần xuất sang Nhật Bản, thị trường nhập khẩu lớn thứ 2. Các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu sang EU chủ yếu là mực ống, mực nang và tôm. Trong khi mực ống, mực nang xuất khẩu chủ yếu được khai thác từ biển, tôm xuất khẩu lại là tôm nuôi.
Indonexia: Dịch bệnh làm giảm sản lượng
Vi rút myonecroisis tàn phá các trại nuôi tôm tại Inđônêxia khiến sản lượng tôm nước này giảm 20-30%, từ mức 250.000 tấn dự kiến xuống còn 160.000 tấn. Mỗi năm, Inđônêxia xuất khẩu chừng 160.000 tấn và lượng tôm xuất khẩu của nước này có khả năng cũng sẽ sụt giảm trong năm nay.
Braxin: sản lượng tôm tăng 17%
Hiệp hội Người nuôi tôm Braxin (ABCC) ước tính năm 2010, sản lượng tôm tại bang Rio Grande del Norte - trung tâm của ngành nuôi tôm Braxin sẽ đạt 27.000 tấn, tăng 17,4% so với năm 2009.
Bang này cần nâng cao sản lượng tôm để đáp ứng nhu cầu trong nước gia tăng và ngăn chặn tình trạng Braxin trở thành nước nhập khẩu tôm. Hiện, Braxin hạn chế nhập khẩu tôm từ nhiều quốc gia nuôi tôm để tránh lây bệnh, tuy nhiên ông Itamar Rocha – Chủ tịch ABCC nói: “Nếu không nâng cao sản lượng, chúng ta sẽ không thể giữ nguyên rào cản nhập khẩu”.
Ông Newton Bacurau, Chủ tịch Hiệp hội người nuôi tôm phía bắc bang Rio Grande nói rằng nếu sản lượng tôm trong nước không đủ, nhất thiết phải nhập khẩu, và vấn đề là các nước khác có chi phí sản xuất thấp hơn.
Ông nói: “Chúng tôi không đủ điều kiện để cạnh tranh công bằng”. Trong khi đó, Hội chợ Quốc gia về Tôm (FENACAM) với khẩu hiệu: Nuôi trồng - giải pháp thay thế để nâng cao sản lượng thuỷ sản tại Braxin” được tổ chức từ ngày 7 - 10 tháng 6 tại Natal - thủ đô và thành phố lớn nhất của Rio Grande do Norte đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Ban tổ chức sự kiện hy vọng hội chợ sẽ thu hút 800 nhà khoa học và 10.000 khách tới tham quan. Cùng thời gian này cũng diễn ra Hội nghị chuyên đề quốc tế về nuôi tôm lần thứ 7 và Hội nghị chuyên đề quốc tế về nuôi trồng thủy sản lần thứ 4.
Trung Quốc: tăng hạn ngạch khai thác cá cơm của Pêru
Một công ty thủy sản của Trung Quốc đã tăng hạn ngạch được phép khai thác hàng năm đối với cá cơm của Pêru từ 4,85% ở miền Bắc và 7,11% ở miền Nam lên 5,08% và 7,87% nhờ việc mua lại toàn bộ cổ phần của công ty Deep Sea Fishing tại Pêru.
Hiện nay phần lớn cá cơm Pêru được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bột cá và dầu cá. Cùng với nhu cầu prôtêin gia tăng, ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu đã và đang tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Theo đó, nhu cầu bột cá, thành phần thiết yếu trong thức ăn nuôi thủy sản và gia súc tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc, nước sản xuất thủy sản nuôi lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nguồn cung bột cá toàn cầu vẫn chỉ dừng ở mức ổn định trong nhiều năm qua. Nhu cầu gia tăng nhưng nguồn cung hạn chế khiến giá bột cá tăng đáng kể từ khoảng 900 USD/tấn quý III/2009 lên trên 1.900 USD/tấn hiện nay.
Mỹ: Tiêu thụ thức ăn cá da trơn giảm
Theo số liệu của Cục Thống kê Nông nghiệp (NASS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tiêu thụ thức ăn cá da trơn của Mỹ thấp so với cùng kỳ năm 2009, tuy nhiên, vẫn tăng đáng kể so với tháng trước.
Tháng 3/2010, tổng sản lượng thức ăn cá da trơn đạt 13.580 tấn, giảm 32% so với tháng 3/2009, nhưng tăng đáng kể so với tháng trước. Thức ăn cá da trơn thương phẩm đạt 12.680 tấn, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Thức ăn cho cá hương và cá bố mẹ đạt 900 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.
Khoảng 95% cá da trơn của Mỹ được sản xuất chủ yếu tại bang Arkansas, Louisiana, Mississippi và Alabama, trong đó Alabama là nhà sản xuất lớn thứ hai của Mỹ.
Tháng 3/2010, bang Mississippi tiêu dùng 4.536 tấn thức ăn cho cá da trơn, giảm 28% so với năm trước.
Các bang nuôi cá da trơn khác như Alabama tiêu thụ 3.472 tấn, giảm 52%; Arkansas tiêu thụ 1.406 tấn, giảm 33% và bang Louisiana tiêu thụ 286 tấn, giảm 45%.
Pêru: Sản lượng thủy sản đóng hộp và đông lạnh giảm
Theo báo cáo của Viện Thống kê và Công nghệ Thông tin Pêru (INEI), sản lượng thủy sản đông lạnh và đóng hộp (chủ yếu được chế biến từ cá sòng và cá thu) 2 tháng đầu năm 2010 của nước này đã giảm lần lượt 23,8% và 64,06% so với cùng kỳ năm 2009.
Năm 2009, sản lượng thủy sản đông lạnh và đồ hộp của Pêru cũng giảm 23,1% và 17,09% so với năm 2008.
Giám đốc các công ty lớn, nhỏ và vừa cho biết, thiếu nguyên liệu cá sòng và cá thu tại vùng biển Pêru sẽ gây ra một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ngành thủy sản. Do không có nguyên liệu nên các công ty này không có gì để chế biến hay sản xuất.
18 tháng qua, công ty Pesquera Hhayduk SA đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Hải sản Pêru (IMARPE) và Bộ Sản xuất (Produce) giải thích tại sao không có nguyên liệu nhưng không được phản hồi. Thu nhập của công ty đã giảm 40 triệu USD, xuống còn 25 triệu USD năm 2009.
Nhà sinh vật học Patricia Majluf và Giám đốc Pelagic Fishing Group (PFG) cũng nhất trí với quan điểm này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Pêru, Maria Isabel Talledo đã phủ nhận báo cáo này. Bà khẳng định, thông tin luôn được đăng tải trên website của IMARPE. Bà cho biết, báo cáo mới đây của IMARPE cũng khẳng định thiếu nguyên liệu cá sòng và cá thu là do biến đổi khí hậu liên tục và do lạm thác toàn cầu.
Để giải quyết tình trạng sụt giảm này, từ năm 2008 các thành viên trong ngành thủy sản đã tiến hành thăm dò các nguồn lợi mới và đẩy mạnh khai thác cá cơm, loài cá khá dồi dào tại Pêru.
Theo thống kê của IMARPE, khối lượng nhập cảng cá cơm từ 1/1 đến 8/11/2009 đạt 51.630 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2008 (56.966 tấn). Trong khi đó, khối lượng nhập cảng cá sòng chỉ đạt 15.851 tấn, giảm 81,6% so với cùng kỳ năm 2008 (86.462 tấn).