menu search
Đóng menu
Đóng

Thương mại châu Á khi Trung Quốc giảm nhập khẩu

09:19 09/03/2009
Người tiêu dùng Trung Quốc chưa thể thay được vai trò của người tiêu dùng châu Mỹ và châu Âu trong kích thích thương mại châu Á tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế châu Á phụ thuộc khá nhiều vào bùng nổ thương mại khu vực. Gần đây, sự tăng trưởng này có khả năng chững lại bởi có dấu hiệu cho thấy thương mại khu vực này phụ thuộc vào nhu cầu của phương Tây nhiều hơn dự đoán trước đây.
 
Ông Michael Buchanan, chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, nhận xét sự sụt giảm hàng nhập khẩu từ phía Trung Quốc gần đây cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc chưa thể thay được vai trò của người tiêu dùng châu Mỹ và châu Âu đối với thương mại châu Á.
 
Tháng 1/2009, xuất khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc sang Trung Quốc hạ lần lượt khoảng 50% và 33% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc công bố tổng lượng xuất khẩu của nước này trong tháng 2/2009 hạ mạnh hơn so với tháng 1/2009. Hàn Quốc còn thông báo doanh số hàng bán vào thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác giảm mạnh.
 
Ít nhất cho đến cuối quý 2/2009 sẽ còn nhiều tin tức xấu, bởi phần lớn nền kinh tế trọng tâm vào xuất khẩu tại châu Á còn gặp nhiều khó khăn. Công ty châu Á sa thải nhân công hàng loạt thu hẹp sản xuất do nhu cầu hàng hoá từ phía phương Tây đi xuống. Các kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ với trọng tâm vào phát triển cơ sở hạ tầng sẽ dần dần giúp châu Á hồi phục. Chính sách này sẽ có hiệu quả tốt hơn là biện pháp ngắn hạn.
 
Những nền kinh tế cởi mở nhất châu Á là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đang chịu nhiều khó khăn nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán những nền kinh tế này sẽ suy giảm trong năm nay. Tại Hồng Kông và Singapore, vấn đề hiện nay còn trầm trọng hơn khi số người bị sa thải trong lĩnh vực tài chính ngày một nhiều và giá nhà đất hạ mạnh.
 
Trong số các nền kinh tế châu Á, chỉ có Philippin và Indonexia có tỷ lệ xuất khẩu/GDP thấp hơn so với năm 2001. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo châu Á nên ngừng phụ thuộc vào động thái can thiệp từ phía Trung Quốc để đưa khu vực này ra khỏi bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
 
Ông McCormack, đại diện của Fitch tại châu Á, nhận xét:”Ở châu Á hiện nay, người ta cho rằng miễn là Trung Quốc tăng trưởng tốt và cả châu Á sẽ có lợi. Thị trường Trung Quốc là quan trọng nhất đối với nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên cho đến nay những gì chúng ta thấy là kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có mục tiêu kích cầu đầu tư nội địa chứ không phải là phát triển các lĩnh vực trọng tâm nhập khẩu.”
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng rằng kinh tế châu Á sẽ hồi phục trong nửa sau năm 2009.
 
Một năm trước, khi phải đương đầu với tình trạng giá dầu và thực phẩm tăng cao, các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á xem lại mục tiêu tăng trưởng của họ và lo ngại nhiều hơn đến nguy cơ lạm phát.
 
Tuy nhiên sau khi đã tăng lãi suất lên mức độ chóng mặt, họ đương đầu với hàng loạt thách thức trên thị trường tín dụng toàn cầu.
 
Ông Subir Gokarn, chuyên gia kinh tế trưởng tại Standard & Poor’s, nhận xét:”Tại một thời điểm mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế phải bơm thêm thanh khoản để củng cố cho hệ thống tài chính thì họ lại hạn chế nó.”
 
Theo ông Gokarn, tin tức tốt lành là các ngân hàng trung ương châu Á (không tính đến ngân hàng trung ương Nhật) vẫn có thể tiếp tục hạ lãi suất, khả năng thanh khoản còn tốt và cho đến nay chưa phải hứng chịu cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn như các ngân hàng phương Tây.
 
Hơn thế nữa, xét về dài hạn, châu Á sẽ thu lợi được rất nhiều từ việc chi tiêu phát triển cơ sở hạ tầng sau nhiều năm thiếu chi tiêu và chú trọng phát triển hạ tầng trong khi dân số ngày một bùng nổ.
 
Ông Gokarn, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Société Générale, nhận xét châu Á sẽ là một trong số ít những khu vực của thế giới sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của cơ sở hạ tầng.
 
 
 

Nguồn:Internet