menu search
Đóng menu
Đóng

Tin vắn dệt may thế giới ngày 5/4/2010

16:51 06/04/2010
 

Châu Phi: Xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ suy giảm

Xuất khẩu hàng may mặc Châu Phi sang Mỹ đang trên đà suy giảm trong vài năm trở lại đây khi hiệp định Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi (AGOA) sắp đáo hạn. Chủ tịch Hội đoàn công nghiệp Dệt may và Bông sợi Châu Phi (ACTIF), ông Rajeev Arora, cho biết xuất khẩu từ Kenya đã xuống mức 180 triệu USD trong năm 2009, từ mức đỉnh điểm 272 triệu USD năm 2006.

AGOA, một chương trình về ưu đãi thương mại Chính phủ Mỹ, trao cho những nước khu vực cận Sahara quyền xuất khẩu nhiều sản phẩm tới thị trường US được miễn thuế nhập khẩu, có hiệu lực từ năm 2000-2015. AGOA là Hiệp định có tầm ý nghĩa quan trọng khi tạo công ăn việc làm cho nhiều nước tại lục địa nghèo khó này.

Hầu hết các nước được hưởng các chế độ ưu đãi từ AGOA đều nhập khẩu vải từ những nước khác như Trung Quốc, Băngladesh, Ấn Độ hay Pakistan. Khi AGOA đáo hạn vào năm 2015, các nước hưởng lợi từ hiệp định này đều quan ngại về sức cạnh tranh các sản phẩm mình đi Mỹ. Được biết hàng năm sản lượng bông Châu Phi đáp ứng 12% nhu cầu bông toàn cầu. Tuy nhiên 95% bông xuất đi dưới dạng bông tạp. Các nước Châu Phi kỳ vọng tự cung tự cấp được nguyên liệu đầu vào cho ngành may mặc, tuy nhiên với tình hình hiện tại, “giấc mơ” đó khó có khả năng đạt được.

Tuynidi : Xuất khẩu dệt may trên đà tăng trưởng

xuất khẩu mặt hàng dệt từ Tuynidi tăng 16,9% về kim ngạch và 12,7% về khối lượng trong năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu áo phông tăng 10,29% về kim ngạch và 2,55% về khối lượng. Dệt may là ngành công nghiệp đầu tiên tại Tuynidi, hàng năm đóng góp 36% trên tổng doanh thu từ xuất khẩu các ngành công nghiệp, mang lại cho đất nước này 3 tỷ Euro/năm. Tuynidi là nhà cung cấp lớn thứ 5 đối với thị trường Châu Âu, có khoảng 1000 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong ngành công nghiệp dệt may Tuynisia. Đây cũng là nước đứng thứ 3 tại EU về xuất khẩu quần Jean, và đứng thứ 4 về xuất khẩu quần thông thường.

Châu Á và Thổ Nhĩ Kỳ: Xuất khẩu may mặc tăng

Xuất khẩu hàng may mặc từ các nước giá rẻ tại Châu Á và Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2010 đã chứng kiến mức tăng trưởng khá. Sự phục hồi rõ ràng trên thị trường xuất khẩu Trung Quốc là chỉ báo củng cố thêm niềm tin cho ngành sản xuất may mặc trong vùng Châu Á.

Cụ thể, tại Trung Quốc kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt trong tháng 2/2010 đã tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2009. Xuất khẩu hàng may mặc thì tăng gần gấp đôi. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng may mặc tăng gần 25%, đạt 18 tỷ USD. Một điểm rất đáng chú ý nữa về xu hướng xuất khẩu hàng may mặc Trung Quốc đó là nước này đang tập trung xuất khẩu những sản phẩm giá cấp cao hơn, và định hướng thoát khỏi cái “mác” nước xuất khẩu giá rẻ.

Việt Nam cũng nổi lên như một hiện tượng trong 2 tháng đầu năm nay, với kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Băngladesh không kém cạnh các nước trong vùng, nỗ lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu may mặc nhích lên 3,5% trong tháng 1/2010. Người láng giềng Pakistan cũng chứng kiến kim ngạch xuất khẩu may mặc trong tháng 1 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 300 triệu USD.

Hàn Quốc: Nhập khẩu hàng may mặc năm 2009 biến động theo kinh tế

Nhập khẩu hàng may mặc tại Hàn Quốc giảm mạnh trong 3 quý đầu năm 2009 do khủng hoảng kinh tế tác động, trước khi tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm.

 Cụ thể, khối lượng nhập khẩu hàng may mặc dệt kim giảm gần 16%, dệt thoi giảm gần 18% trong 9 tháng đầu năm 2009. Tính về giá trị, 2 nhóm này giảm lần lượt gần 20% và 21,35%. Tính về xuất xứ, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường may mặc nhập khẩu Hàn Quốc. Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận sự gia tăng nhập khẩu từ các xuất xứ khác, đơn cử như từ Việt Nam. Tại HS 61, nhập khẩu Hàn Quốc từ Việt Nam trong năm 2009 đã tăng gần 65% về lượng và 83% về trị giá. Nhập khẩu may mặc dệt thoi tại xứ sở món kim chi từ Myanmar cũng tăng trong năm qua, do đơn giá rẻ. Inđônexia cũng tìm được chỗ đứng trên thị trường Hàn Quốc.

Bangladesh: Kêu gọi Ấn Độ thay đổi hạn ngạch nhập khẩu quần áo may sẵn

Bangladesh lên tiếng kêu gọi Ấn Độ nâng hạn ngạch nhập khẩu hàng may sẵn của nước này từ mức 8 triệu đơn vị như hiện tại do các nhà xuất khẩu than phiền hạn ngạch cũ ảnh hưởng nhiều tới quan hệ thương mại về may mặc của hai nước.

Nhớ lại hồi tháng 9/2008, Dhaka đã ký kết một thỏa thuận thương mại với NewDelhi cam kết chỉ xuất khẩu 8 triệu đơn vị hàng may mặc/năm để thu hẹp khoảng cách về mậu dịch thương mại giữa hai nước. Trong năm đầu tiên áp dụng mức hạn ngạch này, các nhà xuất khẩu Băngladesh đã “chết đứng” khi chỉ có thể xuất khẩu được 50% trên tổng mức hạn ngạch đã đề ra do thủ tục quá phức tạp.

Tại một cuộc họp gần đây, Bộ Thương mại Băngladesh đã ra thông cáo rằng nước này sẽ sớm yêu cầu Ấn Độ bỏ chế độ hạn ngạch cũ cho Bangladesh. ”.

Các sản phẩm hàng may sẵn Băngladesh theo đánh giá là khá “hút hàng” tại Ấn Độ, nhưng Ấn Độ lại áp 8% thuế đối kháng, 4% thuế tái bổ sung và một số suất thuế khác lên một vài nhóm mặt hàng đặc biệt. Nếu như mọi mức hạn ngạch được xoá bỏ, hàng năm Băngladesh có thể thu về 1 tỷ USD từ xuất khẩu quần áo sang nước láng giềng Ấn Độ.

 (Vinanet)