menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình kinh tế trong nước tháng 11 và dự báo đáng chú ý trong tháng 12/2008, những giải pháp cần thực hiện

16:47 19/12/2008
Tháng 11/2008 tiếp tục chứng kiến sự giảm giá của nhiều loịa hàng hoá và dịch vụ trong nước do ảnh hưởng của giá thế giới. Hầu hết các loại hàng hoá cần thiết và có thể nhập khẩu vào Việt Nam đều giảm giá rất mạnh hoặc đang trong xu thế giảm giá...

Đối với ngành công nghiệp, biến động mạnh nhất rơi vào nhóm hàng sắt thép và dầu mỏ. Trong những tháng qua, giá thép liên tục giảm và hiện đã giảm trên 40% so với thời điểm cao nhất (tháng 5), xuống còn khoảng 14 triệu đồng/tấn nhưng vẫn khó tiêu thụ do thị trường xây dựng trong nước vẫn đóng băng bởi các biên pháp thắt chặt quản lý tiền tệ, cắt giảmđầu tư công Xu hướng giảm giá có thể sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới do buộc phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, lượng thép thành phẩm tồn kho đã lên tới 400 nghìn tấn và phôi thép tồn kho là 500 nghìn tấn (tổng giá trị ước tính trên 1 tỷ USD). Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương sức tiêu thụ của toàn ngành thép đã giảm tới 1/3 với mức tiêu thụ trung bình chỉ còn khoảng 100 nghìn tấn/tháng. Như vậy, nếu tất cả các nhà máy sản xuất thép trong nước ngừng hoạt động thì vẫn đáp ứng nhu cầu thị trường cho đến tận quý I/2009. Nếu doanh nghiệp không thể bán hay xuất khẩu thì đồng nghĩa với việc thua lỗ và phá sản, do các doanh nghiệp này đã nhập phôi thép với giá cao, từ 800-900 USD/tấn và phải trả lãi ngân hàng trong khi lãi suất liên tục tăng cao trong thời gian qua. Nhằm cứu ngành thép trong nước, ngày 28/10 Bộ Tài chính đã ra quyết định điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắt thép từ 5% hiện nay xuống 0%, áp dụng cho các tờ khai hải quan kể từ ngày 7/11/2008. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn còn bị lỗ ít nhất là 200 USD/tấn, chưa kể khả năng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng ảm đạm.

Không chỉ riêng với sắt thép, trong bốn tháng qua, giá dầu thô cũng đã giảm hơn 60% xuống mức dưới 60 USD/thùng so với thời điểm cao kỷ lục là 147,27 USD/thùng hồi tháng 7. Điều này đã giúp giảm giá xăng trong nước nhưng mặt khác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách.

Ngành than hiện cũng trong tình trạng tương tự. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang còn tồn kho tới 5 triệu tấn than. Theo kế hoạch, đến cuối năm, TKV phải tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn nữa, song mặc dù giá than đã giảm từ 202 USD/tấn (tháng 7/2008) xuống còn 95 USD/tấn nhưng hiện vẫn không có khách mua. Bốn khách hàng lớn trong nước (điện, đạm, giấy và xi măng) mới chỉ  tiêu thụ 62-80% so với kế hoạch đã đăng ký đầu năm, nên lượng than tồn kho lớn.

Bên cạnh đó, một số ngành khác như ngành điều, ngành giấy và ngành dệt cũng đang rơi vào tình trạng tồn hàng như trên.

Đối với ngành nông nghiệp: tiếp tục xu hướng của tháng 10, giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu như cao su, cà phê, gạo vẫn đang có xu hướng giảm do nhu cầu nhập khẩu của thế giới đi xuống, dẫn đến giá thu mua trong nước cũng giảm, trong khi chi phí đầu vào của sản xuất như phân bón (thường chiếm trên 50% chi phí sản xuất) tăng mạnh, khiến cho người nông dân gặp nhiều khó khăn.Từ tháng 10 đến nay, mặc dù giá phân bón đã giảm nhưng vẫn chưa đủ bù đắp thiệt hại cho người nông dân.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi hiện cũng gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch và giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua. Việc phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu do quyết định giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi trước thời hạn đã khiến cho nhiều cơ sở chăn nuôi trong nước phải đóng cửa. Hiện nay, chăn nuôi đang có xu hướng phục hồi trở lại do dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được khống chế. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi và con giống vẫn ở mức cao, trong khi giá thực phẩm đang ở mức thấp nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư để tái đàn.

Đối với ngành dịch vụ: nhiều loại hình dịch vụ như khách sạn, ăn uống, giao thông - vận tải có xu hướng giữ giá cả giảm nhẹ, một mặt do giá cả cá mặt hàng liên quan như xăng dầu dầu giảm, mặt khác do yêu cầu cạnh tranh khốc liệt trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là ngành du lịch, mặc dù đang trong mùa cao điểm và có nhiều cố gắng trong việc giảm giá nhưng ngành du lịch hiện vẫn đang trong tình trạng vắng khách, số lượng tour bị huỷ lớn. Từ đầu năm đến nay, du lịch chỉ đạt mức tăng trưởng 6,9%, nên mục tiêu đón 4,8-5 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay khó có thể đạt được. Có thể thấy, ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả kém cạnh tranh, chất lượng dịch vụ thua kém các nước láng giềng, cộng thêm tư duy “ăn xổi”... chính là nguyên nhân đẩy ngành du lịch vào cảnh ế ẩm.

Xuất khẩu suy giảm do tác động của khủng hoảng

Bước sang tháng 10, 11 xuất khẩu của nước ta đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tháng 10, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 5,1 tỷ USD, ước tính trong tháng 11 chỉ còn 4,7 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2007. Hiện nay, các doanh nghiệp đang phai đối mặt với việc thị trường bị thu hẹp và giá các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh hơn so với tháng 10 (giá cao su giảm 13,2%, cà phê giảm 11,7%, dầu thô giảm 4% và hiện chỉ còn bằng một nửa so với thời điểm giá cao nhất cách đây 3 tháng).

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất khẩu được khoảng 3,95 triệu tấn gạo, kém 650.000 tấn so với kế hoạch. Trong 2 tháng qua, giá gạo thế giới giảm liên tục, hiện chỉ còn dưới 480 USD/tấn (đối với gạo 5% tấm), dưới 400 USD/tấn (đối với gạo 25% Tấm). Hiện nay, mắc giá đã giảm 60% so với giữa quý II/2008. Theo dự báo của nhiều doanh nhgiệp, giá gạo thế giới sẽ giảm tiếp trong những tháng cuối năm do hầu hết các nước có nhu cầu nhập khẩu lương thực đều đã dự trữ đủ số lượng. Ngoài ra, việc tăng diện tích gieo trồng ở nhiều nước sản xuất lương thực trên thế giới cũng khiến cho các mặt hàng lương thực không còn thiếu như nhiều tháng trước.

Mặc dù giá một số mặt hàng nông sản khác tăng như: hạt tiêu tăng 148 USD/tấn, quế tăng 240 USD/tấn, chè tăng 72 USD/tấn, nhưng lượng xuất khẩu ít nên không làm tăng đáng kể giá trị xuất khẩu.

Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 12/2008

Thông thường, các tháng cuối năm là thời điểm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao do các doanh nghiệp thường tập trung hoàn thành kế hoạch cả năm. Tuy nhiên năm nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng bị chững lại do chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới.

-Giá trị sản xuất công nghiệp được dự báo (theo giá cố định năm 1994) tháng 12/2008 đạt khoảng 55-56 nghìn tỷ đồng, cả năm đạt khoảng 658 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2007.

-Xuất khẩu năm 2008 đạt khoảng 64 tỷ USD (tăng 31,8% so với năm 2007); nhập khẩu khoảng 83 tỷ USD (tăng 32,4% so với năm 2007); nhập siêu 19 tỷ USD, tương đương 29,7% kim ngạch xuất khẩu (tăng 34,6% so với năm 2007).

-Tỷ giá tháng 12/2008 là 1 USD = 16.800-17.000 VND

Một số đề xuất

-Tiêu dùng trong nước ngày càng giảm, do đó, cần chú trọng kích thích tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng nội địa. Chú ý điều phối hàng hoá tiêu dùng lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất trong nước. Tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ bản đặc biệt ưu tiên vốn nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích các tập đoàn tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là chủ yếu.

-Lĩnh vực bất động sản: Tại thời điểm hiện nay chưa nên đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, nên kích thích thị trường bằng cách xây dựng nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp thuê, tuy nhiên cần phải chú trọng đến chất lượng công trình.

-Đẩy mạnh sản xuất, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có phương án hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như: giảm nợ, xem xét lại điều kiện cho vay, tập trung vào các phương án sản xuất dài hạn, tạm thời miễn, giảm thuế. Đặc biệt là tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề....

-Tập trung quản lý tốt thị trường, đặc biệt trong những ngày giáp Tết. Hiện nay, hiện tượng nhập lậu, kể cả các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm.... trong nước sản xuất được đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là hàng kém chất lượng xuất xứ từ Trung Quốc, gây khó khăn cho việc tiêu thụ của nhà sản xuất trong nước và thiệt hại cho người tiêu dùng.

-Tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thế giới, diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kịp thời có những biện pháp điều chỉnh ngăn ngừa những tác động xấu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

-Chú trọng công tác điều hành tỷ giá, tránh tình trạng dự trữ ngoại tệ không thiếu nhưng tỷ giá ngoài thị trường bị đẩy lên cao do tâm lý người dân và do đầu cơ.

-Kể từ ngày 1/1/2009, các cam kết miễn giảm thuế khi gia nhập WTO sẽ bắt đầu có hiệu lực. Do vậy ngay từ bây giờ cần chuẩn bị sẵn sàng về mặt chính sách, pháp luật, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiểu biết về WTO cũng như các nguyên tắc đối xử trong tổ chức này.

(TTTTDBKTXH)

Nguồn:Vinanet