menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan kinh tế trong nước ngày 02/02/2009

08:40 03/02/2009

*Nhiều loại sữa không đủ hàm lượng đạm như quảng cáo

Cục Quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Công thương) cho biết nhiều sản phẩm sữa tại TP.HCM có hàm lượng đạm thực tế thấp hơn hàm lượng đạm được quảng cáo trên bao bì.

Kết quả khảo sát 20 loại sản phẩm sữa cho thấy 50% sản phẩm vi phạm. Ví dụ, sản phẩm Sữa bột béo Hà Lan ghi thành phần đạm trên 24% nhưng kiểm nghiệm thực tế chỉ có 0,5%; sữa Gold ghi trên bao bì là 21%-26% nhưng kiểm nghiệm chỉ có 1,8%; sữa Holland Gold ghi 20% nhưng kiểm nghiệm là 1,2%; sữa Bobolac ghi nhãn là 34% nhưng thực tế chỉ gần 6%...

Tuy nhiên, một số sản phẩm khác lại có kết quả kiểm nghiệm tốt hơn quảng cáo. Ví dụ, sữa Dielac ghi hàm lượng đạm là 18% nhưng thực tế kiểm nghiệm là gần 20%; sữa TOP ghi hàm lượng 34,4% nhưng kiểm nghiệm là 39,5%; sữa Anlene ghi hàm lượng 30,1% nhưng kiểm nghiệm là 30,4%...

*Chỉ số giá tiêu dùng Hà Nội tăng nhẹ

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tháng 1/2009, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố tăng 0,29% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 1,05%, thực phẩm tăng 0,29%.

Theo đánh giá chung, giá cả thực phẩm, giải khát có xu hướng tăng chút ít cho đến ngày 30 tết (25/1) và dừng lại cho đến những ngày sau tết.

Do các công ty thương mại lớn tại Hà Nội đã xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng, đồng thời do sức mua của người dân không cao nên giá cả lương thực, thực phẩm chỉ tăng chút ít so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng của thành phố Hà Nội tăng 0,29% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 1,05%, thực phẩm tăng 0,29%

Cũng trong tháng đầu năm, số liệu tổng hợp cho biết, giá vàng tăng 5,19% so tháng trước trong khi giá USD tăng 0,91%.

Theo Cục Thống kê TP, trong tháng 1/2009, khối lượng hàng hóa vận chuyển giảm 0,3%, khối lượng hàng hóa luân chuyển giảm 12,7% song doanh thu vận tải hàng hóa lại tăng 14,1%.

Có kết quả này chủ yếu do giá xăng dầu tháng 1 năm nay cao hơn tháng 1 năm ngoài nên giá cước vận tải cao hơn.

*Sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng nới lỏng, dựa trên nguyên tắc linh hoạt, hiệu quả, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành cán cân thanh toán quốc tế theo hướng không để thâm hụt. Nhưng cũng phải có nhiều phương án dự phòng để tính toán trong trường hợp có diễn biến mới trên thị trường quốc tế. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2009 sẽ ở mức 3,2 đến 3,5 lần so với tăng trưởng GDP. GDP năm 2009 được Chính phủ kỳ vọng xoay quanh mức 6,5%.

*Xuất khẩu cá ngừ năm 2009 sẽ tăng mạnh

Mặc dù xuất khẩu thủy sản trong năm nay được dự báo sẽ ảm đạm do khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng mặt hàng cá ngừ xuất khẩu vẫn được đánh giá có triển vọng tăng mạnh.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm nay xuất khẩu cá ngừ của các doanh nghiệp vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh ở các thị trường lớn như EU, Nhật, Israel, Mỹ, do nhu cầu tiêu thụ cá ngừ trên thị trường thế giới tăng, trong khi sản lượng đánh bắt ở các quốc gia xuất khẩu chính đang giảm sút.

Năm 2008, cả nước có 84 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ sang 71 thị trường trên thế giới với sản lượng 52.818 tấn, đạt kim ngạch 189 triệu đô la Mỹ, tăng 25% về kim ngạch so với năm 2007.

Các thị trường tiêu thụ cá ngừ chính của Việt Nam là EU (62,7 triệu đô la), Mỹ (54,7 triệu đô la), Nhật (23,4 triệu đô la). Đặc biệt thị trường Israel tuy các doanh nghiệp mới thâm nhập nhưng kim ngạch trong năm ngoái tăng tới 191%, đạt 6,4 triệu đô la.

*Năm 2009 tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng 1 triệu tấn    

Bộ Công thương cho biết, dự kiến mức tiêu dùng xăng dầu trong năm 2009 khoảng 14 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm trước.

Theo kế hoạch, tháng 2-2009 khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, mức nhập khẩu xăng dầu cả năm sẽ khoảng 12,2 triệu tấn, trong đó có 1 triệu tấn tái xuất, tiêu dùng trong nước khoảng 11,2 triệu tấn.

*Nhu cầu phân bón của cả nước trong năm 2009 là 7,8 triệu tấn

Bộ Công thương đã chỉ đạo ngành phân bón, hóa chất và dầu khí tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sản xuất phân đạm Ninh Bình, Bắc Giang và Cà Mau, đồng thời khai thác tối đa năng lực sản xuất các nhà máy hiện có, đảm bảo tối thiểu 0,95 triệu tấn phân đạm urê.

Năm nay, nhu cầu phân bón các loại của cả nước là 7,8 triệu tấn, trong đó phân đạm urê dự kiến sản xuất khoảng 0,93 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu khoảng 0,75 triệu tấn. Riêng 1,85 triệu tấn phân hỗn hợp NPK và 1,6 triệu tấn phân chứa lân trong nước sản xuất đáp ứng cơ bản yêu cầu.

Đối với phân DAP, dự kiến Nhà máy DAP Đình Vũ Hải Phòng chỉ sản xuất được 0,2-0,25 triệu tấn, còn lại vẫn phải nhập khẩu 0,45-0,5 triệu tấn.

*Thị trường chứng khoán ngày 2/2/2009

Sau kỳ nghỉ khá dài, phiên giao dịch đầu tiên “khai trương” năm Kỷ Sửu không có đột biến so với không khí “u ám” trước Tết. Ngưỡng 300 chính thức bị phá vỡ lần thứ 3 kể từ năm 2006 đến nay. VN-Index đóng cửa tại mức 297.52 điểm, giảm 5.69 điểm (-1.88%) so với phiên trước.

Diễn biến thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng, dường như các nhà đầu tư chỉ giao dịch thăm dò khi cả lệnh mua và bán đều nhỏ. VN-Index giảm điểm mạnh dần qua cả 3 đợt giao dịch với khối lượng cực thấp, chỉ đạt khoảng 4.7 triệu đơn vị tương ứng 110 tỷ đồng.

 

 

Nguồn:Vinanet