menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan kinh tế trong nước tuần từ 13 đến 17/7/2009

10:18 20/07/2009

Trong tuần qua, trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện luồng ý kiến cảnh báo về khả năng lạm phát 6 tháng cuối năm 2009 cũng như nguy cơ lạm phát trong năm 2010. Xu hướng lạm phát gia tăng là không thể phủ nhận: Trái với mức tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát cả năm sẽ ở mức 6-9%, trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng sẽ rơi vào khoảng 7-8%. Bên cạnh đó, theo các dự báo của các tổ chức có uy tín trên thế giới con số này nhiều khả năng sẽ rơi vào khoảng 8% (theo Ngân hàng Thế giới) hoặc 7.3% (theo tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch).

Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp nguy cơ lạm phát tăng cao xảy ra, quá trình hồi phục của kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng không nhỏ bởi lẽ trong hoàn cảnh đó, Chính phủ Việt Nam vừa phải đề phòng nguy cơ tái lạm phát cao, vừa phải gia tăng kích cầu, vừa phải chống lại nguy cơ phát sinh lượng dư nợ tồn đọng; vừa phải chịu áp lực tổng cầu giảm và chịu áp lực mở cửa thị trường trong nước.

Một thông tin đang thu hút sự quan tâm hiện nay là việc Tổng cục Thống Kê Việt Nam đang lên kết hoạch điều chỉnh phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhằm phù hợp hóa chỉ số này trong bối cảnh hiện tại của kinh tể Việt Nam. Theo thông lệ hiện nay trên thế giới, cứ khoảng từ 4 đến 5 năm một lần, chỉ số CPI sẽ được điều chỉnh và cập nhật về phương pháp tính toán và rổ hàng hóa cấu thành. Thực tế đã cho thấy, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng cao trong năm 2008, có vẻ như nguyên nhân không hẳn đã hoàn toàn do nội tại nền kinh tế mà nhiều khả năng là do nguyên nhân đến từ việc danh mục và quyền số hàng hóa trong rổ hàng cấu thành CPI hiện tại đã không còn phù hợp với thực tiễn kinh tế. Theo kế hoạch, từ thời điểm tháng 10/2009, Tổng cục Thống kê sẽ triển khai trên toàn bộ các tỉnh thành của Việt Nam phương pháp tính chỉ số CPI được cập nhật mới, trong đó quyền số và danh mục hàng hóa thiết yếu sẽ được điều chỉnh. Theo đó, danh mục các mặt hàng sẽ tăng lên 572, tăng 82 mặt hàng so với con số trước đây là 490. Nếu xét cụ thể, trong số này, sẽ có hơn 100 mặt hàng mới hoàn toàn được đưa vào tính toán. Số nhóm mặt hàng sẽ tăng từ 10 lên 11 do nhóm giao thông - bưu chính viễn thông được tách ra thành giao thông và bưu chính viễn thông.

Trong một thông tin liên quan đến chính sách điều hành giá cả xăng dầu vừa được công bố, Chính phủ đã đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính sách thu ngân sách đối với phần lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí trong trường hợp giá dầu thô thế giới gia tăng. Theo nội dung được đề cập trong tờ trình, với quy định hiện nay, do các hợp đồng dầu khí đã ký kết trước đây đều quy định cụ thể mức thuế biên mà các nhà thầu dầu khí có nghĩa vụ phải nộp , chính vì vậy, trong trường hợp giá dầu thô thế giới có những chuyển biến bất thường theo hướng gia tăng, các nhà thầu dầu khí sẽ hầu như sẽ được thụ hưởng hoàn toàn khoản chênh lệch đáng kể trong mức giá sản phẩm và khoản chênh lệch này hoàn toàn không chịu sự điều chỉnh nào của Nhà nước. Để có thể chủ động điều hành ngân sách, Chính phủ cho rằng việc ban hành chính sách nhằm điều tiết một phần lợi nhuận bất thường của nhà thầu dầu khí khi giá dầu thô tăng cao là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Một thông tin khác liên quan đến lãi suất huy động đang thu hút được sự chú ý là vào hôm nay – Thứ Sáu 17/07/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1681/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng. Căn cứ vào Quyết định này, Ngân hàng Nhà nước quy định: bắt đầu từ thời điểm 01/08/2009 tới đây, mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng Việt Nam Đồng đối với các tổ chức tín dụng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là 1,2%/năm. Như vậy, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng Việt Nam Đồng đối với tổ chức tín dụng đã giảm đi 3 lần, từ mức 3,6%/năm (theo 174/QĐ-NHNN) xuống còn 1,2%/năm (theo 1681/QĐ-NHNN).

Theo thông tin về phương án sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu chính phủ, vào sáng ngày hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét phương án sử dụng  20,000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để bổ sung kế hoạch năm 2009. Theo đó, số vốn này dự kiến sẽ được phân bố 4,000 tỷ đồng cho các dự án ký túc xá sinh viên, 8,300 tỷ đồng cho các dự án thuộc ngành giao thông, các dự án ngành thủy lợi sẽ được đầu tư4,200 tỷ đồng; các dự án ngành y tế 2,000 tỷ đồng và các dự án giáo dục 5,500 tỷ đồng.

(vietstock)

 

Nguồn:Vinanet