menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc đối mặt với vấn đề cân bằng ngân sách

14:29 04/03/2009
Sức mạnh của chủ nghĩa lạc quan về kinh tế Trung Quốc sẽ được thử thách trong tuần này, khi hàng nghìn đại diện các cơ sở trên cả nước, những khu vực đang bị tấn công mạnh bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu, nhóm họp trong hai cuộc họp hàng năm ở Bắc Kinh để thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.
Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” cho rằng áp lực sẽ là vấn đề khó lường, vì tình trạng ảm đạm của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp là hoàn toàn ngược với việc tác động để hồi phục kinh tế của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhu cầu suy giảm, vốn sản xuất thiếu, gánh nặng thuế chồng chất và các vấn đề khó khăn khác sẽ bao trùm hội nghị thường niên của Quốc hội và Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), những cuộc họp lớn nhất của Trung Quốc kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nay.
Các nhà lập chính sách tiền tệ sẽ cảm nhận được sức nóng nếu họ không quyết định cắt giảm lãi suất đáng kể hoặc giảm giá trị đồng Nhân Dân tệ (NDT) để tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhà kinh tế Gao Shanwen của Công ty chứng khoán Essence cho rằng ngày càng có nhiều khác biệt giữa các quan chức và giới doanh nghiệp tư nhân về tình hình kinh tế và sự cần thiết phải tiến hành các biện pháp kích thích ép buộc. Theo ông Gao, các quan chức dường như tỏ ra lạc quan, kể cả những người thực sự nghĩ rằng kinh tế đang tốt lên và những người giả vờ lạc quan để thúc đẩy lòng tin vào thị trường. Tuy nhiên, nhiều người trong giới doanh nghiệp tư nhân tỏ ra bi quan.
Số liệu trong tháng 1/09 cho thấy, có rất ít dấu hiệu về việc kinh tế sẽ được cải thiện. Xuất khẩu đã giảm 17,5% xuống còn 90,45 tỷ USD, giảm mạnh so với mức giảm 2,8% trong tháng 12/08. Nhập khẩu giảm 43,1% xuống còn 51,34 tỷ USD, cho thấy nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước đã giảm đáng kể. Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng đã ở mức 1%, mức thấp nhất trong vòng 30 tháng qua, làm dấy lên khả năng về thiểu phát. Chỉ số giá cả sản xuất, một biện pháp để đo lạm phát công nghiệp, đã giảm 3,3%, bất chấp việc phục hồi giá than, thép và đồng, những dấu hiệu mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho là “tín hiệu phục hồi” khi phát biểu tại châu Âu vào cuối tháng 1 vừa qua.
Tuy nhiên, số liệu cung cấp tiền tệ và cho vay của ngân hàng dường như tạo ra một niềm tin mới. Các khoản vay mới đã tăng lên 1.620 tỷ NDT, gấp hơn hai lần so với năm ngoái, trong khi tăng trưởng của chỉ số M2 (chỉ số về lưu lượng tiền mặt và tiền gửi) đã đạt 18,8%, so với mức 17,8% trong tháng 12/08. Điều này cho thấy Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu thúc đẩy sự luân chuyển của tiền tệ và tạo ra lượng tiền mặt cần thiết cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và các công ty đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, những dấu hiệu này đã làm Ngân hàng Trung ương (PBoC) rơi vào tình thế lưỡng nan. Việc cắt giảm lãi suất có thể hỗ trợ các ngành xuất khẩu ốm yếu, do giảm chi phí đầu tư, khuyến khích người dân chi tiêu và giúp ngăn chặn giá hàng hoá tụt giảm mạnh để tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhà kinh tế Danise Yam của Morgan Stanley cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề thiểu phát, rằng việc suy giảm giá cả đang dẫn tới nguy cơ thiểu phát nhanh chóng đối với hàng tiêu dùng. Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất từ 108 tới 135 điểm cơ bản là cần thiết cho nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, PBoC dường như tin rằng việc bùng nổ tín dụng gần đây đã làm giảm sự cần thiết phải khuyến khích cho vay qua việc giảm lãi suất. Ngân hàng này tỏ ra hài lòng với mức luân chuyển tiền mặt hiện nay. Ngày 17/2, PBoC đã dừng lưu thông 120 tỷ NDT qua hình thức mua lại trái phiếu trong 91 ngày, sau khi bơm vào thị trường 19 tỷ NDT trong tuần trước đó, nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa tiền mặt trong thị trường. Tăng trưởng của chỉ số M2 trong tháng 1/09 đạt mức 18,8%, hơn nhiều so với mục tiêu 17% trong cả năm. Tiền gửi của tư nhân tăng mức kỷ lục 1.530 tỷ NDT so với tháng 12/08, trong khi tiền gửi của doanh nghiệp tăng thêm 75,9 tỷ NDT. Tuy nhiên, nhà chức trách có lý do để lo ngại về một cái bẫy lưu thông tiền tệ, nếu việc tăng trường cung cấp tiền tệ không phục vụ thực sự cho nền kinh tế mà lại được sử dụng để đưa vào thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán đã phục hồi 16% trong hai tuần sau lời nhận xét về phục hồi kinh tế của ông Ôn Gia Bảo và việc tuyên bố một số chương trình kích cầu công nghiệp.
Trước tình trạng cắt giảm lãi suất có thể không được thực hiện do lo ngại đã có quá đủ lượng tiền lưu thông và quan ngại về việc tích trữ tiền, những công ty đang đói vốn có thể sẽ bị thất vọng bởi quyết định được đưa ra sau hai cuộc họp của Quốc hội và Chính Hiệp năm nay. Ngoài ra, các đại biểu cũng khó đạt được nguyện vọng về việc chính phủ giảm giá trị của đồng NDT để làm hàng hoá của Trung Quốc rẻ hơn và tăng thêm tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Trong tháng 1/09, thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn rất lớn, lên tới 39,1 tỷ USD, do nhập khẩu giảm nhiều hơn so với xuất khẩu. Việc ngoại tệ tiếp tục đổ vào Trung Quốc là lý do chính làm chính phủ khó lòng giảm trị giá của đồng NDT. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không muốn việc giảm giá đồng NDT sẽ biến Trung Quốc thành mục tiêu của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Giải pháp có tính khả thi nhất là giữ trị giá của đồng NDT ở mức ổn định, như một số nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng đề cập.
Nhà kinh tế Peng Wensheng của Công ty nghiên cứu Barclays Capital cho rằng chính phủ cũng sẽ chống lại mọi lời kêu gọi tăng giá đồng NDT. Nếu đồng USD yếu hơn so với đồng euro, tỷ giá giữa đồng USD và NDT vẫn tiếp tục ổn định để giúp giãn bớt việc đã tăng giá đồng NDT trước đây. Trong trường hợp đồng USD mạnh lên so với đồng euro, áp lực sẽ tăng lên đối với việc giảm giá đồng NDT, nhưng việc giảm giá như vậy sẽ bị hạn chế bởi lo ngại về việc dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu chưa được giải quyết. Vì vậy, nhìn chung tỷ giá giữa đồng USD và NDT sẽ được giữ ở mức ổn định trong thời gian sắp tới.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam