menu search
Đóng menu
Đóng

TT gạo châu Á tuần đến 29/1: Giá giảm trước vụ thu hoạch ở Thái Lan và Việt Nam

09:18 30/01/2015

Giao dịch gạo trên các thị trường chính ở châu Á thưa thớt trong tuần này, khi giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng và sắp vào vụ thu hoạch chính, và chính phủ Thái Lan mở cuộc bán đấu giá gạo dự trữ với khối lượng lớn.
  • Chính phủ Thái Lan bán 1 triệu tấn gạo trong phiên đấu thầu
  • Giá gạo Việt Nam xuống thấp nhất 15 tháng
  • Giá giảm trước khi Thái Lan và Việt Nam vào vụ thu hoạch

(VINANET) – Giao dịch gạo trên các thị trường chính ở châu Á thưa thớt trong tuần này, khi giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng và sắp vào vụ thu hoạch chính, và chính phủ Thái Lan mở cuộc bán đấu giá gạo dự trữ với khối lượng lớn.

Thái Lan là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, tiếp đến là Ấn Độ và Việt Nam.

Chính phủ Thái Lan hôm nay 29/1 bán đấu giá 1 triệu tấn gạo, tương đương khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu hàng năm.

Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực giải tỏa khoảng 17 triệu tấn gạo dự trữ tích từ những chương trình thu mua can thiệp trước đây.

“Chính phủ Việt Nam đang sẵn sàng bán gạo dự trữ với mức giá hợp lý, và điều này đang gây áp lực lên thị trường toàn cầu”, một thương gia Thái Lan cho biết.

Giá gạo trong cuộc đấu thầu sẽ được dùng tham khảo cho thị trường.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá 415 USD/tấn, FOB, so với 405 - 416 USD/tấn một tuần trước đây.

Giá gạo Việt nam đã giảm khoảng 3% trong vòng một tuần qua bởi nhu cầu yếu trong khi sắp vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm.

Loại gạo 5% tấm  của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 15 tháng, xuống 360 – 370 USD/tấn, FOB, từ mức 370- 380 USD/tấn một tuần trước đây.

Gạo 25% tấm giá giảm xuống 340 – 350 USD/tấn từ mức 350 – 360 USD/tấn.

“Trung Quốc không mua vào lúc này, có thể họ chờ tới tháng 3 khi Việt Nam thu hoạch rộ và giá giảm xuống nữa”, một thương gia Việt Nam cho biết. “Châu Phi cũng không vội mua vì dự trữ còn nhiều”.

Giá gạo Việt Nam hiện bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn chút so với gạo Pakistan chào bán, gây khó khăn cho việc cạnh tranh ở thị trường châu Phi.

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo Thái Lan có thể xuất khẩu kỷ lục 11 triệu tấn gạo trong năm 2015, sau đó là Ấn Độ với 8,2 triệu tấn và Việt Namvowis 6,9 triệu tấn.

Một số thông tin liên quan

Philippines lên kế hoạch nhập khẩu 500.000 tấn gạo theo thỏa thuận G2G

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đang lên kế hoạch nhập khẩu 500.000 tấn gạo, giao hàng vào tháng 5/2015 nhằm tăng dự trữ quốc gia trước mùa giáp hạt (tháng 6 – tháng 8).

Một quan chức NFA cho biết, chính phủ Philippines dự định nhập khẩu gạo thành 2 lô 200.000 tấn và một lô 100.000 tấn trước tháng 5 năm nay và NFA có thể sẽ nhập khẩu gạo theo thỏa thuận liên chính phủ (G2G).

Năm 2014, NFA nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn gạo (1,5 triệu tấn năm 2014 và 300.000 tấn còn lại từ năm 2013) nhằm bổ sung lượng gạo lưu kho và kiểm soát giá tăng, trong đó 187.000 tấn do lĩnh vực tư nhân nhập khẩu với thuế suất 35% theo chương trình Khối lượng Tiếp cận Tối thiểu (MAV).

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính năm 2015 Philippines nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn gạo, tăng 10% so với 1,45 triệu tấn năm 2014; sản lượng lúa niên vụ 2014-2015 (tháng 7 – tháng 6) đạt 19,36 triệu tấn (12,2 triệu tấn gạo), tăng 3% so với 18,82 triệu tấn (11,86 triệu tấn gạo) niên vụ 2013-2014.

Myanmar lên kế hoạch xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo năm 2015-2016

Chính phủ Myanmar đang lên kế hoạch xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong năm tài khóa 2015-2016 (tháng 4 – tháng 3), tăng 67% từ 1,5 triệu tấn năm 2014-2015, các nguồn tin trong nước trích lời Giám đốc điều hành Liên đoàn Lúa gạo Myanmar (MRF) cho biết.

Myanmar xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo năm tài khóa 2013-2014, theo số liệu của Bộ Thương mại nước này.

Chính phủ Myanmar đang nỗ lực tăng xuất khẩu gạo sang EU, Nhật Bản và châu Phi cũng như sang Trung Quốc, theo MRF. Theo số liệu của Bộ Thương mại, năm 2014, Myanmar xuất khẩu 914.969 tấn gạo đồ, trị giá 343 triệu USD.

Hiện chính phủ Myanmar và MRF đang đàm phán với chính quyền Trung Quốc nhằm bắt đầu xuất khẩu chính ngạch gạo sang Trung Quốc từ tháng 4/2015.

Khoảng 9 công ty xuất khẩu đã được cấp phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Tổ chức Kiểm tra và Chứng nhận Trung Quốc (CCIC) sẽ mở văn phòng tại Yangon, Mandalay và Muse để giám sát chất lượng gạo Myanmar trước khi xuất sang Trung Quốc, theo MRF.
Trung Quốc đã chính thức đặt hàng 2 triệu tấn gạo từ Myanmar trong năm 2015.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng lúa của Myanmar niên vụ 2014-2015 đạt 18,98 triệu tấn (12.15 triệu tấn gạo) và xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo.

Thái Lan nỗ lực xúc tiến xuất khẩu gạo sang thị trường mới

Bộ Thương mại Thái Lan và Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA) đang lên kế hoạch xúc tiến xuất khẩu gạo sang các thị trường mới tiềm năng như Iran, Iraq và các nước Trung Đông khác do lo ngại giá dầu giảm sẽ tác động đến sức mua của các nước nhập khẩu chủ chốt.

Chủ tịch TREA cho biết, Thái Lan cần nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu gạo sang các thị trường mới tiềm năng nhằm duy trì tốc độ xuất khẩu. Nguồn cung gạo toàn cầu tăng cung như sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo, kể cả Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan, cũng được coi là thách thức đối với ngành gạo Thái Lan – với mục tiêu xuất khẩu 11 triệu tấn gạo trong năm 2015.

Theo Chủ tịch TREA, giá dầu lao dốc có thể khiến các nước có nguồn thu phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như Nigeria cắt giảm nhập khẩu.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan sẽ có chuyến công du đến Hong Kong, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Oman, Ai Cập, Italia và Indonesia nhằm xúc tiến xuất khẩu gạo Thái Lan. Bộ này và TREA đang lên kế hoạch đặc biệt nhằm xúc tiến xuất khẩu gạo sang Iran – nước đã ngừng nhập khẩu gạo từ Thái Lan trong năm 2013.

TREA hy vọng giá xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ ổn định trong năm nay. Hiện giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 410 USD/tấn so với 370 USD/tấn của Việt Nam, 400 USD/tấn của Ấn Độ, 365 USD/tấn của Pakistan và 415 USD/tấn của Myanmar.

Năm 2014, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 10,8 triệu tấn, tăng 64% so với 6,6 triệu tấn năm 2013.

T.Hải
Nguồn: Vinanet/Reuters, Oryza