menu search
Đóng menu
Đóng

Tuần 14-18/9: Cà phê Việt Nam hẹp đầu ra do làn sóng phá giá nội tệ thế giới

15:06 22/09/2015

Vinanet - Nông dân trồng cà phê ở các nước xuất khẩu lớn khác đang có điều kiện bán ra tốt hơn nhiều so với người trồng cà phê Việt Nam, bởi đồng nội tệ ở những nước này giảm giá quá mạnh so với USD.

Thị trường cà phê thế giới biến động tăng trong tuần qua. So với cuối tuần trước, giá cà phê Robusta giao tháng 11 thị trường London tăng 29 USD/tấn lên 1.581 USD/tấn. Giá cà phê được hỗ trợ khi nguồn cung ngắn hạn thắt chặt.

Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong 8 tháng đầu năm đạt 23,4 triệu bao, trị giá 4,08 tỷ USD, giảm 1,2% khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, các báo cáo khác cho thấy, nông dân Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế bán ra. Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu cà phê tháng 8/2015 từ Việt Nam, chủ yếu là cà phê Robusta, đạt 92.595 tấn, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm tới 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt tổng cộng 879.421 tấn, là con số xuất khẩu cà phê thấp nhất cùng kỳ trong vòng 5 năm qua.


Theo số liệu của Ủy ban Cà phê Ấn Độ, xuất khẩu cà phê của nước này trong 37 tuần đầu năm nay tính đến 10/9 đạt 3.143.700 bao, giảm 1,77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê tăng sau những cảnh báo về El Nino. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng El Nino đợt này có thể có cường độ mạnh nhất tính từ năm 1997/98 và có thể mạnh nhất tính từ 1950. Những nước trồng cà phê trong khu vực bị ảnh hưởng khá rộng, từ châu Phi đến Peru và các nước vùng Nam Mỹ, đến hai nước Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia.

Tuần qua, thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng với xu hướng thị trường cà phê thế giới. So với cuối tuần trước, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 600 đ/kg lên 35.100 – 35.700 đ/kg. Giá cà phê Robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB tăng 15 USD/tấn lên 1.641 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam Vicofa, tính cả niên vụ 2014/15, Việt Nam dự kiến chỉ xuất khẩu được khoảng trên 1,2 triệu tấn, giảm 22% so với niên vụ 2013/14 và giảm 12% so với niên vụ 2012/13. Thu hoạch cà phê vụ mới tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ tháng 10 và đạt đỉnh vào tháng 11.

Giá cà phê ở thị trường nội địa khả năng vẫn còn ở mức thấp và sẽ rất khó để tăng lên ở mức kỳ vọng (ít nhất là 39.000 đồng/kg). Lượng cà phê tồn trong dân và doanh nghiệp hiện đang ở mức khá cao. Điều này đang gây ra mối lo ngại khi mà niên vụ cà phê 2015/2016 đã cận kề.

Nông dân trồng cà phê ở các nước xuất khẩu lớn khác đang có điều kiện bán ra tốt hơn nhiều so với người trồng cà phê Việt Nam, bởi đồng nội tệ ở những nước này giảm giá quá mạnh so với USD. Trong vòng 1 năm qua, đồng peso Colombia đã giảm giá tới 60%, đồng real Brazil giảm trên 50%, đồng rupiah của Indonesia giảm 20%. Trong khi đó, tiền đồng tuy cũng đã giảm giá so với đô la Mỹ, nhưng mức giảm mới chỉ khoảng 6-7%.

Lượng cà phê còn tồn trữ như hiện nay khi bước vào niên vụ mới sẽ tạo ra mối lo lớn. Do lượng còn tồn cộng với lượng cà phê niên vụ mới được bán ra, sẽ gây sức ép lên thị trường. Nông dân Việt Nam không thể bán cà phê (vì bán ra là lỗ nặng), trong khi nông dân các nước khác vẫn bán ra, thì đến một lúc nào đó, sẽ tạo ra thế kẹt cho tiêu thụ cà phê ở Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu đang có tâm lý chờ cà phê Việt Nam giảm giá thêm nữa mới mua. Trong khi chờ đợi, họ có thể mua một phần từ các nước khác. Như vậy, điều này sẽ càng thu hẹp đầu ra cho cà phê Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT