menu search
Đóng menu
Đóng

Vì sao tiền nóng đổ vào Trung Quốc?

09:34 04/08/2008
Trung Quốc thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài bởi vì lãi suất ở đây cao hơn ở Mỹ và người ta kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá thêm nữa so với USD.
Li Yang -Giám đốc Viện nghiên cứu Tài chính thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, những chuyển động trái chiều trong chính sách tiền tệ của Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng "tiền nóng" này.
Từ tháng Chín năm ngoái đến nay, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bảy lần giảm lãi suất cơ bản, từ 5,25%/năm xuống còn 2%/năm hiện nay trong khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc sáu lần tăng lãi suất cơ bản nội trong năm ngoái, từ 2,52%/năm lên 4,14%/năm hiện nay. Do sự chênh lệch này mà vay tiền của Mỹ gửi vào ngân hàng Trung Quốc là cách kiếm tiền nhanh, ít rủi ro mà nhiều nhà đầu cơ thực hiện trong cái gọi là “carry-trade”. Thêm vào đó, đồng NDT liên tục tăng giá so với USD. Từ khi Trung Quốc thôi không neo đồng NDT vào đồng USD tháng 7-2005 đến nay, đồng NDT đã tăng giá khoảng 17% so với đồng USD; từ mức 8,2 NDT ăn 1 USD xuống còn 6,9 NDT ăn 1 USD hiện nay. Đặc biệt trong quý 1 năm nay, khi Trung Quốc nới lỏng biên độ tỷ giá giữa NDT và USD, người ta chứng kiến sự tăng giá nhanh của đồng tiền Trung Quốc, với mức tăng xấp xỉ 10%/năm. Diễn tiến này làm dấy lên kỳ vọng trong giới kinh doanh tiền tệ rằng, Trung Quốc sẽ thả nổi tỷ giá và đồng NDT sẽ tăng mạnh hơn nữa, do đó đem tiền vào Trung Quốc đầu tư bây giờ là có lợi nhất.
Tiền chảy đi đâu?
Tiền vốn nước ngoài với quy mô lớn như vậy sẽ đổ vào đâu trên đất nước Trung Quốc? Từ cuối năm ngoái trở về trước, dòng vốn đầu tư ngắn hạn này đã thổi bùng giá cả trên thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc Trung Quốc. Năm 2007, Thượng Hải được coi là thị trường chứng khoán sinh lợi nhất châu Á với chỉ số tăng hơn 150%; giá bất động sản ở các thành phố lớn, nhất là thủ đô Bắc Kinh, cũng tăng lên chóng mặt. Nhưng bong bóng địa ốc và chứng khoán của Trung Quốc, cũng như Việt Nam, đã sớm vỡ và thị trường rơi vào suy thoái từ đầu năm nay. Điều đó không giải thích được đường đi của đồng tiền nóng. Các chuyên gia Trung Quốc bắt đầu phát hiện ra xu thế vốn nước ngoài đầu tư vào tài khoản của cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc - thường là có sự câu kết của người trong nước. Chuyển ngoại tệ vào Trung Quốc, đổi sang NDT rồi gửi vào các tài khoản nội địa, khi cần có thể rút ra nhanh chóng là cách thức kinh doanh “tiền nóng”. Theo dõi sổ sách, Ngân hàng trung ương Trung Quốc phát hiện, tại thời điểm cuối tháng 5-2008, số dư tiền gửi trong các tài khoản NDT của các tổ chức tài chính nội địa đã lên tới mức 43,11 ngàn tỉ NDT, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu lưu ý rằng, lãi suất tiền gửi của Trung Quốc hiện thấp hơn mức lạm phát (lãi suất âm) thì hiện tượng đổ xô gửi tiền vào ngân hàng thay vì rút ra đầu tư vào các lĩnh vực khác có lợi hơn, là bất bình thường. Ông Jiang Zheng - một chuyên gia về kinh tế vĩ mô của Trung Quốc cho rằng, các “tài khoản ma” (bog-standard account) này chính là điểm đến của dòng tiền nóng.
"Tiền nóng" vào Trung Quốc theo con đường nào?
Nhưng Trung Quốc là nước có chính sách quản lý ngoại hối rất chặt chẽ và luôn đặt lên hàng đầu vấn đề “an ninh tài chính”. Con đường nào đưa tiền vào Trung Quốc là điều mà các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài hiện chưa hoàn toàn đồng ý với nhau. Ngân hàng trung ương Trung Quốc xác định có 3 kênh chính dẫn vốn đầu cơ ngắn hạn từ nước ngoài vào một cách bất hợp pháp: núp bóng doanh số xuất khẩu, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài mang vào nhiều tiền hơn số tiền giải ngân cho dự án và hệ thống chuyển ngân lậu. Nhận thức này là cơ sở để chính phủ Trung Quốc đề ra các biện pháp kiểm soát như hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cho rằng chính sách quản lý tiền tệ của Trung Quốc có những lỗ hổng lớn mà những giải pháp hiện thời của chính phủ không đủ để kiểm soát. Hiện Trung Quốc vẫn cho phép người có tư cách thường trú nhân tại Trung Quốc được đem vào mỗi năm không quá 50.000 USD nhưng nhiều người đã sử dụng cả “quota” của bạn bè, người thân để có thể chuyển vào Trung Quốc lượng tiền lớn. Công dân Hồng Kông chỉ cần sang tỉnh Quảng Đông lân cận, đổi đồng USD Hồng Kông - mà hiện đang mất giá nghiêm trọng, lấy tiền NDT và gửi vào tài khoản ở các ngân hàng nội địa Trung Quốc với mức tối đa mỗi ngày là 11.600 USD.
Thách thức
Dòng vốn ngoại chảy vào mạnh đã làm việc quản lý kinh tế, quản lý tiền tệ trở nên khó khăn hơn nhiều. Ví dụ, mặc dù tỷ lệ lạm phát trong nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn không dám tăng lãi suất cơ bản vì lo ngại sẽ thu hút thêm nhiều “tiền nóng”. Cho đến nay Trung Quốc vẫn cố ngăn ngừa không cho dòng vốn này làm lượng cung tiền trong xã hội gia tăng quá nhanh bằng cách phát hành trái phiếu và nâng cao tỷ lệ dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng thương mại để hút tiền về. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu tỏ ra quá “đắt đỏ” và nhiều nhà kinh tế tin rằng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng tới một mức nào đó sẽ gây khốn khó cho các ngân hàng thương mại cỡ nhỏ và vừa. Trong năm nay Trung Quốc đã 4 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, hiện đã ở mức 17,5%.
Chính quyền Trung Quốc cũng lo ngại về tác động lên hệ thống tài chính quốc gia nếu như nhiều nhà đầu tư quyết định rút khỏi nước này nhiều khoản tiền lớn trong cùng một thời điểm. Biện pháp mới ban hành này có thể là một gánh nặng cho giới doanh nghiệp, với nguy cơ đẻ thêm nhiều thủ tục cồng kềnh cho các nhà xuất khẩu, nhất là các nhà cung cấp hàng hóa cho các công ty bán lẻ ở phương Tây.
Vietstock

Nguồn:Internet