menu search
Đóng menu
Đóng

Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long: Không thể thiếu sự liên kết của "4 nhà"

14:54 17/11/2009
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến 10/11/2009, cả nước xuất khẩu 5,425triệu tấngạo, trị giá 2,149tỷ USD. Trước  đó, Trung tâm thông tin Công Thương nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đã tăng 42,7% về lượng,nhưng giảm 1,68% về trị giá so với cùng kỳ 2008. Nhiều năm liền, nước ta luôn giữ vững vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo; trong đó, ĐBSCL đóng góp 92% lượng gạo hàng hóa. Nhưngvùng đất được mệnh danh “bát cơm châu Á” vẫn chưa có được thương hiệu cho hạt gạo. Xây dựng và triển khai một Chiến lược thương hiệu cho hạt gạo đồng bằng Nam bộ đang trở thành đòi hỏi bức bách.
Theo dự báo mới nhất của Tổ chức dự báo cung – cầu (USDA), sản lượng gạo thế giới niên vụ 2009 2010 đạt 433,5 triệu tấn, giảm 2,56% so với niên vụ 2008/09. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... vẫn là những nước có sản lượng lớn nhất nhưng chỉ đủ phục vụ nhu cầu trong nước. Mức tiêu thụ gạo thế giới ước 438,1 triệu tấn, tăng 0,4% so với niên vụ trước, tổng lượng gạo thiếu hụt so với nhu cầu khoảng 4,6 triệu tấn.
   Trong chuỗi hoạt động kinh tế, doanh nghiệp (DN) là “mắt xích” cuối cùng của xuất khẩu gạo. Hơn ai hết, họ “biết mình, biết ta” trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế - nơi mà các cường quốc xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ “tung hoành” và đã có những bước đi trước ta trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia xuất khẩu gạo “chuyên nghiệp”.
 
Theo các chuyên gia, năng lực cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam còn thua kém xa giá trị thương phẩm của gạo Thái vốn đã có thương hiệu từ lâu, ở mức giá trung bình thường thấp hơn từ 100 - 200 USD/tấn. Giá xuất khẩu gạo của VN trong những tháng gần đây, loại 5% tấm là 380-400 USD/tấn và 25% tấm là 325-350 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan là 510 và 426 USD/tấn, bình quân thấp hơn từ 80-120 USD/tấn. Dự báo năm 2009, Việt Nam xuất khẩu đạt 7 triệu tấn gạo, đồng nghĩa với việc phải “gánh” thua thiệt cỡ 700 triệu USD về giá, tương đương 2 triệu tấn gạo. Bài toán về giá cả và thương hiệu hạt gạo Việt Nam đang rất cần được doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà nước chung sức tìm lời giải đáp.
Nhà khoa học – “chất xám” của thương hiệu gạo
 
Thời gian qua, thương hiệu hạt gạo ĐBSCL gắn với tên doanh nghiệp, nhưng lại là “chất xám” của nhà khoa học và “mồ hôi” của người nông dân. Để có thương hiệu gạo, phải giải quyết đồng bộ từ khâu giống, canh tác, công nghệ sau thu hoạch, tồn trữ và phải tăng cường liên kết “bốn nhà” thực sự hiệu quả. Hiện toàn vùng đang sử dụng trên 100 giống lúa, rất khó đáp ứng đồng bộ về chủng loại và phẩm cấp của hàng xuất khẩu qui mô lớn. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ, hệ thống phân phối của Nhà nước mới đáp ứng 20% giống xác nhận, nông dân trong vùng phải sử dụng 80% giống trôi nổi khác. Các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành trong vùng xây dựng để triển khai Dự án Phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng  ĐBSCL thông qua liên kết vùng và sự tham gia “4 nhà”. Với tổng mức kinh phí khiêm tốn (140 tỉ đồng) để đầu tư đánh giá và xác định nguồn gen cho 500 giống lúa địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giống, đảm bảo sử dụng giống xác nhận từ 40-50% diện tích trồng lúa xuất khẩu gắn với xây dựng5-10 thương hiệu lúa gạo chất lượng cao cho ĐBSCL, ... Nhưng “chất xám” của nhà khoa học muốn tham gia vào “quá trình sản xuất lúa”, “đánh bóng thương hiệu hạt gạo đồng bằng” lại phải thông qua người nông dân - những người trực tiếp quyết định đầu vào của quá trình đó.  
Nhà nông đã và đang làm gì?
 
Theo Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Mặt bằng về trình độ sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL nhìn chung còn thấp, canh tác chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức về chuyên môn, việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP gần như chưa được áp dụng. Vì vậy, hạt lúa đồng bằng còn mang nặng sức ì “4 không” (không đúng chất, không đủ lượng, không đúng thời điểm và không đạt giá cao). Trong khi đó, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn sản xuất (giá vật tư cao, ứng vật tư trước, trả lãi suất cao); chi tiêu gia đình ngày càng cao (sinh hoạt, chữa bệnh, học hành, đám tiệc, giỗ tết, ...); thu nhập thấp do giá lúa hàng hoá thời điểm bán thấp, thị trường bấp bênh. Hiện trạng sản xuất lúa ở ĐBSCL chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, nên việc chọn giống lúa canh tác phụ thuộc rất lớn vào “sở thích” của nông dân hoặc chịu sự “tổn thương” của thị trường lúa gạo. Phần lớn nông dân sử dụng giống IR 50504 và tình trạng lúa tồn đọng trong năm 2008 là một thí dụ.
 
Theo các chuyên gia, cần phải tổ chức tại sản xuất theo hướng cánh đồng một giống gắn với tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến và thực hiện các quy trình canh tác theo nhóm giống, tiểu vùng sinh thái; quy trình GAP; kỹ thuật sau thu hoạch; quản lý kinh tế hộ; tiếp thị - quảng bá. Điều này sẽ tạo sự thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và cho phép thực hiện qui trình cơ giới hóa. Giải quyết đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân - khâu đầu tiên của qui trình sản xuất lúa hàng hoá - thì mới có thể xây dựng được thương hiệu gạo của “vựa lúa” cả nước.
 
Tác động từ Nhà nước
 
Vai trò của Nhà nước có tác động to lớn trong liên kết “4 nhà” thông qua cơ chế chính sách chỉ đạo tổ chức sản xuất, điều tiết thị trường, điều hành xuất khẩu gạo. Những tác động tích cực của thị trường lúa gạo trong nước gần đây qua 2 đợt thu mua với 900 tấn gạo dự trữ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là một thí dụ bên cạnh “học phí” cho bài học điều hành xuất khẩu gạo trong năm 2008. Thực tế cho thấy, để giải quyết tốt khâu giống, sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc phân phối, điều hoà lợi ích. Chúng ta nên suy ngẫm từ người bạn láng giềng Thái Lan, trong khi giá gạo thị trường thế giới đang lên, Chính phủ Thái vẫn thông báo tái áp dụng chương trình can thiệp giá gạo trong tháng 9/09, nhằm mua thêm 900 nghìn tấn thóc đưa vào kho dự trữ để tiếp tục hỗ trợ người nông dân. Hiện gạo trữ kho của Thái đã lên tới 7 triệu tấn.
 
Các năm qua, nhiều địa phương trong vùng như Cần Thơ, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang... dành hàng tỉ đồng hỗ trợ giống lúa, cơ giới hoá và công nghệ thu hoạch. Riêng tỉnh An Giang cũng đang triển khai đầu tư 3,4 tỉ đồng trong 3 năm (2008 - 2011) để thực hiện chương trình xây dựng chất lượng thương hiệu gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) trên 3 dòng lúa gạo đặc sản của địa phương là giống lúa Nàng Nhen Bảy Núi, gạo thơm Châu Phú và nếp Phú Tân. Nhưng để tiếp cận thị trường thế giới, xây dựng những thương hiệu gạo mạnh, cần tăng tính liên kết vùng. Vùng lúa chất lượng cao với quy mô khoảng 200.000 ha ở 7/13 tỉnh, thành ĐBSCL cần được đầu tư xây dựng tốt là những bước đi đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo đồng bằng. Điều cần làm lúc này là Chính phủ nên đưa “thương hiệu gạo ĐBSCL” vào Chương trình thương hiệu quốc gia để quảng bá cùng hình ảnh đất nước - một nước vốn có truyền thống và thế mạnh sản xuất lúa, nhiều năm xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, một quốc gia có nền “văn minh lúa nước”. Do đó, không có lý do gì hạt gạo châu thổ Nam bộ, “hạt ngọc” Việt Nam lại không giành được vị trí tương xứng mang tầm quốc tế.

Nguồn:Báo nông nghiệp Việt nam