menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu trái cây Việt Nam khó đạt mục tiêu đề ra

14:09 03/03/2009
Mục tiêu xuất khẩu rau quả của Việt Nam đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch từ năm 1999 phải đạt 1 tỉ USD. Năm 2007, Chính phủ lại cho điều chỉnh giảm mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2010 chỉ còn 760 triệu USD, trong đó trái cây 200 triệu USD. Thế nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2008 mới chỉ đạt 390 triệu USD, xuất khẩu trái cây là 98,1 triệu USD.
Đến nay, trái cây xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản lượng trái cây xuất khẩu đạt trung bình 260 nghìn tấn/năm. Trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng 43,8%, từ giá trị 54,3 triệu USD vào năm 2004, đến năm 2008 đạt giá trị 98,1 triệu USD. Tuy nhiên, hiện tại mục tiêu xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt chưa tới 50%. Mục tiêu đề ra quá xa vời so với hiện thực đạt được. Năm 2008, với chiến dịch đưa trái cây sang Mỹ, tiên phong là thanh long. Tuy nhiên, sau 3 lô sản phẩm đầu tiên xuất đi, đến nay việc xuất khẩu thanh long đi Mỹ bị ngừng lại hoàn toàn. Trong khi các doanh nghiệp mải mê với việc đưa trái cây chinh phục những thị trường xa xôi, thì những năm qua họ lại liên tục để mất dần thị trường nội địa cho trái cây ngoại xâm lấn. Theo số liệu của Tổng cục  Hải quan, năm 2004 kim ngạch nhập khẩu trái cây là 43,3 triệu USD/năm. Đến năm 2008 kim ngạch nhập khẩu là 107,5 triệu USD/năm. Đây là con số tổng kết nhập khẩu chính ngạch, nếu tính cả nhập khẩu tiểu ngạch và nhập lậu qua biên giới, kim ngạch nhập khẩu còn lớn gấp nhiều lần.
Để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu rau quả đề ra vấn đề then chốt là giống và chế biến. Công nghệ bảo quản chậm phát triển, do bao gói không thích hợp, nên đã làm chất lượng trái cây bị suy giảm nhanh chóng, tổn thất sau thu hoạch lên đến 20-30%. Sản lượng trái cây được đưa vào chế biến ở nước ta mới chỉ đạt 10%, chủ yếu là: đồ hộp quả, nước ép trái cây, chiên, sấy, đông lạnh. Hiện cả nước có 12 nhà máy chế biến hoa quả quy mô công nghiệp, cùng hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ và hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình. Bên cạnh đó là vấn đề giống, nhiều giống cây ở nước ta chưa phù hợp với chế biến. Chẳng hạn, các giống cam bản địa thường rất nhiều hạt. Nếu để nguyên cả quả đem ép, hạt bị ép nát sẽ làm đắng nước cam. Nếu áp dụng cách thủ công trước kia là bổ đôi từng quả cam, moi bỏ hết hạt rồi mới đưa vào dây chuyền ép thì chi phí lao động rất lớn. Bởi vậy, Tcty rau quả phải nhập trái cây không hạt từ nước ngoài về để chế biến nước cam ép. Về lâu dài, phải đẩy mạnh công nghệ chế biến, đồng thời song song với việc phát triển thị trường xuất khẩu, cần phải nghiên cứu để giành lại thị trường nội địa.

Nguồn:Vinanet