Ông Nguyễn Văn Đạt, năm nay 45 tuổi quê ở Quảng Ngãi, đã có hơn 25 năm kinh nghiệp quản lý trong nhiều ngàng kinh doanh khác nhau. Ông Đạt từng kinh doanh trong các ngành kim khí điện máy, mua bán ô tô, xuất nhập khẩu…và đặc biệt kể từ khi bén duyên với bất động sản từ năm 2004 khi ông sáng lập Công ty CP Địa ốc Phát Đạt, ông Đạt trở thành doanh nhân giàu có với việc sở hữu nhiều dự án BĐS “đồ sộ” tại Tp.HCM và những tỉnh thành khác.
Trong quá trình phát triển, Địa ốc Phát Đạt cũng đã gặp thời khi đầu tư vào dự án căn hộ cao cấp đầu tiên của mình là The EverRich 1 với 350 căn hộ cùng với 24.000m2 sàn thương mại và 65.000m2 sàn văn phòng đúng lúc thị trường địa ốc nổi “sóng”. Dự án đã hoàn thành và Phát Đạt đã “phát” với khoản lợi nhuận sau thuế mà ông Đạt kiếm được lên tới 500 tỷ trong tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ, mức tỷ suất rất cao.
Thừa thắng xông lên, những dự án hoành tráng hơn liên tục ra đời như The EverRich 2, The EverRich 3 rồi The EverRich Infinity, dự án khác mọc lên ở nhiều tỉnh thành như Cam Ranh, Quảng Ngãi, Phú Quốc…. Theo Phát Đạt, quỹ đất sạch hiện nay của công ty lên tới trên 210ha.
Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ đó thì Địa ốc Phát Đạt đang phải đối diện với những gánh nặng vô cùng lớn từ tồn kho và vay nợ.
Báo cáo tài chính mới nhất quý 2/2015 mà Địa ốc Phát Đạt vừa mới công bố cho thấy con số tồn kho lên đến hơn 5.589 tỷ đồng, và khoản nợ phải trả lên tới 5.065 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là có khoản nợ dài hạn đến hạn trả 580,6 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á-ngân hàng mà NHNN vừa mới thông báo đưa vào diện “kiểm soát đặc biết và sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt”.
|
Chi tiết vay của Phát Đạt tại ngân hàng Đông Á -trích báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2015 của Địa ốc Phát Đạt.
|
Vấn đề này cũng đã khiến cổ đông của ngân hàng Đông Á mới đây bày tỏ sự lo ngại đến việc thu hồi khoản nợ này sẽ gặp khó khăn trong buổi ĐHĐCĐ thường niên 2015 của ngân hàng này mới đây. Nhiều cổ đông lo lắng với phương án thu hồi nợ của ngân hàng Đông Á khi chỉ trông chờ vào khả năng phát hành cổ phiếu ra công chúng của Phát Đạt.
Điển đáng lưu ý ở đây là khoản nợ dài hạn này của Phát Đạt tại ngân hàng Đông Á được thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại đường Đào Trí, Phú Thuận, Q.7, Tp.HCM (vị trí The EverRich 2) từ ngân hàng Đông Á nhằm mục đích tài trợ vốn xây dựng The EverRich 2 và The EverRich 3.
Ông chủ Phát Đạt ứng phó ra sao?
Ngay lập tức, chỉ sau vài ngày diễn ra Đại hội của ngân hàng Đông Á, đích thân ông Nguyễn Văn Đạt đã có những động thái nhằm “trấn an” dư luận bằng cách đăng đàn trên phương tiện truyền thông. Trả lời phỏng vấn trên báo Diễn đàn đầu tư (Bizlive) ông Đạt còn cho rằng “trả nợ DongA Bank chỉ là chuyện nhỏ!”.
Nhiều người đặt vấn đề, vậy ông chủ Nguyễn Văn Đạt sở hữu tới gần 60% Địa ốc Phát Đạt (đầu tháng 8 ông Đạt đăng ký mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu PDR của công ty-PV) lấy gì để trả nợ ngân hàng?. Trong khi, hoạt động kinh doanh của công ty năm 2014 không mấy sáng sủa, 6 tháng đầu năm cũng chỉ lãi ròng 55 tỷ đồng dù tăng mạnh nhưng mới hoàn thành 23,5% kế hoạch năm.
Để viện dẫn cho khả năng trả nợ của mình, ông Đạt lập luận và những kế hoạch bán hàng ở các dự án với doanh thu dự kiến 2015 từ The EverRich 2 (314 tỷ), The EverRich 3 (1.303 tỷ), The EverRich Infinity (2.380 tỷ), Riverside Villas TheEverRich 3 (434 tỷ).
Nhìn vào những khoản doanh thu dự kiến này thì thấy khá hoành tráng, nhưng đó cũng mới chỉ là con số dự kiến của Phát Đạt. Thực tế còn phải trông chờ vào tình hình bán hàng của Phát Đạt sắp tới sẽ ra sao? Một điều đáng lưu ý khác đó là dự án The EverRich 2 mới chỉ đang bàn giao Block C, The EverRich 3 mới đang móng cọc, The EverRich Infinity mới bắt đầu triển khai đầu năm 2015.
Trong khi, DN bất động sản không được ghi nhận doanh thu theo tiến độ xây dựng (thông tư 200 của Bộ Tài chính).
Trong khi đó, kết quả kinh doanh theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2015 cho thấy doanh thu 6 tháng đạt 233,7 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 70,5 tỷ.
Tuy nhiên, ngày 24/5/2015 vừa qua, đích thân Nguyễn Văn Đạt đã ký một bản Nghị quyết của HĐQT Địa ốc Phát Đạt về việc phát hành 65,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, và mục đích sử dụng số tiền 651 tỷ đồng huy động từ các cổ đông này là để trả khoản nợ dài hạn đến hạn của Ngân hàng Đông Á.
Theo Trí Thức trẻ
Nguồn:Trí Thức trẻ