TP. Hồ Chí Minh: Lệch pha giữa cao cấp - bình dân
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh về nguồn cung nhà ở tính đến tháng 10/2016, thành phố đã công nhận 47 dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với quy mô 24.461 căn, bao gồm 23.462 căn hộ chung cư (tỷ lệ 96,6%), và 999 nhà thấp tầng. Trong đó chiếm số lượng lớn vẫn là các sản phẩm BĐS trung cao cấp và cao cấp.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - nhận xét, đang có sự phát triển lệch pha cung - cầu trên thị trường BĐS, trong đó, phân khúc cao cấp đang tăng trưởng lớn, còn phân khúc BĐS nhà ở thương mại vừa túi tiền, căn hộ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng, các dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ và các dự án nhà ở xã hội đang rất thiếu.
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận sự “nở rộ” của các nhà đầu tư thứ cấp mua cho thuê hoặc bán lại kiếm lời. Trong đó, tập trung chủ yếu là ở phân khúc thị trường BĐS cao cấp, trung bình khá, chiếm khoảng 50% tùy theo dự án. Riêng phân khúc nhà ở bình dân ít hấp dẫn nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ chiếm khoảng 5%), vì tỷ suất sinh lợi thấp.
Theo ông Lê Phan Hòa - Giám đốc thị trường vốn và quan hệ đầu tư của Novaland - có khoảng 60 - 65% khách hàng mua nhà là người sử dụng trực tiếp hoặc người mua nhà lần đầu, 35 - 40% còn lại là mua nhà cho thuê, mua đầu tư.
Đông Nam bộ: Nhộn nhịp dự án BĐS thương mại
Khác với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương lại có xu hướng phát triển mạnh các dự án BĐS thương mại.
Theo nhiều chủ đầu tư tại Đồng Nai, thị trường BĐS gần đây chứng kiến nhiều nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đua nhau thu gom quỹ đất lớn, gần những dự án có quy mô khủng với kỳ vọng đón làn sóng hoàn thiện hạ tầng, quy hoạch đồng bộ sẽ kích giá địa ốc tăng lên. Cụ thể dự án xây cầu Cát Lát nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã “kích” thị trường BĐS tại Nhơn Trạch khởi động mạnh trở lại sau thời gian dài trầm lắng.
Đáng chú ý, với lợi thế là “sân sau” của TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư địa ốc. Nguồn vốn lớn được dồn về đây với ngày càng nhiều dự án lớn. Hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm như: Cầu An Hảo, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến metro kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải... càng làm gia tăng sức hấp dẫn cho BĐS Đồng Nai.
Tại Bình Dương, với tốc độ đô thị hóa nhanh và hoạt động giao thương diễn ra sôi động đã thu hút nhiều tập đoàn bán lẻ như Metro, Lotte, Aeon… đến thiết lập “cứ điểm” để phát triển kinh doanh; thúc đẩy phân khúc BĐS thương mại Bình Dương phát triển mạnh. Ông Nguyễn An Bình - Giám đốc Sàn giao dịch BĐS tại TX Bến Cát - cho biết, để mua được một miếng đất hay một căn nhà phố có vị trí tốt, tính thanh khoản cao tại TP. Hồ Chí Minh với số tiền từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng là rất khó. Nhưng cũng với số tiền đó, người mua dễ dàng “tậu” một sản phẩm BĐS ưng ý, có tỷ suất sinh lợi tốt hơn tại Bình Dương hoặc Đồng Nai.
Thị trường BĐS phía Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ở nhiều sản phẩm và phân khúc khác nhau. Giới đầu tư cũng đã có những bước đi thận trọng, không ồ ạt, vì thế mức tăng trưởng trên thị trường BĐS mang tính ổn định, bền vững hơn.
Nguồn: Ngọc Thảo - Thùy Dương/Báo công thương điện tử