Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 7.180 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá gần 14 triệu USD, giảm gần 51% về lượng và giảm 58,6% về trị giá so với tháng 5/2021, giá nhập khẩu trung bình đạt 1.934 USD/tấn, giảm 15,6% so với tháng 5/2021.
Tháng 5/2022, thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 14 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 39,4%; Đức chiếm 21,6%; Nga chiếm 16,8%; Canada chiếm 11,12%...
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 36.780 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 77,5 triệu USD, giảm hơn 42% về lượng và giảm hơn 47% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, cơ cấu thị trường cung cấp thịt heo cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Canada, Ba Lan giảm mạnh; trong khi nhập khẩu từ Brazil, Đức và Hà Lan lại tăng mạnh.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong tháng 5 Việt Nam nhập khẩu 52.620 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 121,2 triệu USD, giảm 26,3% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với tháng 5/2021.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 235.320 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 528,67 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 33 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong tháng với 14.130 tấn, trị giá 45,3 triệu USD, tăng 42,5% về lượng và tăng 41,3% về trị giá so với tháng 5/2021, chiếm 26,85% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng.
Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ về Việt Nam ở mức 3.206 USD/tấn, giảm gần 1% so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 66.240 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ, với trị giá 205 triệu USD, tăng 19,4% về lượng và tăng gần 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt trâu tươi đông lạnh, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt heo tiếp tục giảm còn nhập khẩu thịt bò và thịt trâu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu lớn khác có sự phục hồi sau thời gian gián đoạn nguồn cung cấp liên quan đến đại dịch thì nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc lại liên tục lao dốc trong những tháng đầu năm, theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
USDA dự báo nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc trong năm 2022 có thể giảm 20% và đẩy thương mại toàn cầu xuống mức thấp hơn.
Cụ thể, số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 130 nghìn tấn thịt heo, tương đương 240,5 triệu USD, giảm 66% về lượng và giảm 76% về trị giá so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc đạt 680 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 65% về lượng và giảm 75% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm, với 411 triệu USD, chiếm 30,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ hai là Brazil, kim ngạch nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc từ thị trường này đạt 282 triệu USD, chiếm 21% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng triển vọng thị trường heo ở Trung Quốc trong thời gian tới vẫn khá thấp do các lệnh hạn chế phong tỏa chống COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm và thói quen của người tiêu dùng đang chuyển dần sang sử dụng thịt gia cầm.
Vài tháng gần đây, giá thịt heo ở Trung Quốc có khởi sắc nhưng tỷ suất lợi nhuận kém nên người chăn nuôi không mặn mà, tổng đàn nái của nước này dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn, thông tin được đưa ra bởi Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.
Nguồn:kinhtechungkhoan.vn