Thứ trưởng Bộ Cung ứng và Nội thương Ai Cập Ibrahim Ashmawy cho biết Ai Cập phụ thuộc chủ yếu vào hành lang Biển Đen để nhập khẩu hơn 80% lượng lúa mì trong năm 2023.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cản trở hoạt động giao thương từ các cảng trên Biển Đen. Sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2023, vốn được ký kết vào tháng 7/2022 để mở đường cho Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, giới thị trường ngày càng lo ngại về khả năng sụt giảm các nguồn cung lương thực thiết yếu cũng như nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng.
Theo Bộ Cung ứng và Nội thương Ai Cập, nước này có đủ dự trữ lúa mì để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước trong 4,8 tháng. Với mức tiêu thụ 18 triệu tấn lúa mì mỗi năm, Ai Cập là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Nhằm đảm bảo an ninh lượng thực trong nước, Ai Cập đang nỗ lực thực hiện các kế hoạch mở rộng diện tích đất trồng các cây lương thực chiến lược, đặc biệt là lúa mì.
Theo số liệu chính thức, diện tích đất trồng lúa mì của Ai Cập đã tăng lên 3,65 triệu feddan (1,553 triệu hécta) vào năm 2023, với mức tăng 0,25 triệu feddan (0,105 triệu hécta) mỗi năm.
Theo dự kiến, sản lượng lúa mì của Ai Cập có thể đáp ứng được 65-70% nhu cầu trong nước vào năm 2030. Bên cạnh đó, để khuyến khích nông dân cung cấp lúa mì cho nhà nước, Chính phủ Ai Cập đã nâng giá thu mua lúa mì tham chiếu trong nước từ 1.500 bảng Ai Cập (48,6 USD) lên 1.600 bảng (51,9 USD) mỗi thùng (tương đương 150 kg) đối với lúa mì được thu hoạch vào tháng 11/2023.
Trong vụ thu hoạch từ ngày 1/4-31/8/2023 Chính phủ Ai Cập đã thu mua 3,8 triệu tấn lúa mì từ nông dân trong nước.
Nguồn:bnews.vn