menu search
Đóng menu
Đóng

Brazil mở rộng sản xuất cà phê robusta khi Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức

10:24 11/07/2024

Giá cà phê robusta phiên 9/7 tăng lên mức cao kỷ lục, khi thị trường toàn cầu bị thắt chặt bởi xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam chậm lại. Những thách thức mà nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu - Việt Nam phải đối mặt đã tạo cơ hội cho Brazil mở rộng sản xuất robusta.
Giá cà phê robusta đã đạt đỉnh vào thứ Ba (9/7) ở mức 4.667 USD/tấn trên thị trường kỳ hạn ICE. Nhu cầu tăng khiến giá được đẩy lên cao trong khoảng 18 tháng. Năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại, giá robusta đã tăng 63%, trong khi đà tăng của năm 2023 là 58%.
Nhu cầu về cà phê robusta đã tăng lên khi các nhà rang xay chuyển từ arabica sang loại cà phê rẻ hơn. Robusta thường được sử dụng để pha cà phê hòa tan nhưng nó ngày càng được thêm vào hỗn hợp cà phê rang mà chủ yếu là arabica.
Theo số liệu của Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6/2024 chỉ đạt 70.202 tấn, nâng tổng xuất khẩu cộng dồn trong nửa đầu năm nay lên 893.820 tấn, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, sản lượng cà phê tại Việt Nam tăng gần gấp ba lần trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ này, đạt đỉnh 31,58 triệu bao (loại 60kg) trong niên vụ 2021/22. Tuy nhiên, vài vụ thu hoạch gần đây đã giảm dần, với ước tính của USDA đạt 29 triệu bao trong vụ gần nhất. Cùng với đó là dự báo sản lượng thấp hơn nữa trong niên vụ 2024/25 sắp tới.
Năm nay, người trồng cà phê Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ, làm giảm triển vọng cho vụ thu hoạch tiếp theo diễn ra vào khoảng tháng 11 tới.
Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu vẫn tiếp tục tăng bất chấp giá tăng. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) trong tháng này ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng 2,2% trong niên vụ 2023/24. Nhiều dự báo độc lập cho thấy, nhu cầu tiếp tục tăng trong năm 2024/25, dù tốc độ chậm hơn với 1,25%.
Sự tăng trưởng tiêu thụ được thúc đẩy bởi các thị trường tiêu dùng cà phê tương đối mới và các nước sản xuất như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, và các nước ở khu vực Trung Đông ghi nhận mức tiêu thụ cà phê nội địa tăng.
Những thách thức mà Việt Nam - nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu phải đối mặt đã tạo cơ hội cho Brazil, quốc gia chủ yếu trồng cà phê arabica nhưng đang mở rộng sản xuất cà phê robusta, một loại cà phê có khả năng chịu được thời tiết khô hạn tốt hơn. Hiện Brazil đang trồng rất nhiều cà phê robusta, với 21,5 triệu bao robusta trong năm 2023, gần đạt mức kỷ lục.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters