Chè xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, năm 2023, chè xuất khẩu ước đạt 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2023 ước đạt 1.737,3 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022.
Các yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2023 là do nhu cầu thị trường yếu và các quy định ngày càng khắt khe tại các thị trường nhập khẩu chè của Việt Nam. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.
Hầu hết các mặt hàng chè xuất khẩu đều có xu hướng giảm trong 11 tháng năm 2023, dẫn đầu về lượng và trị giá là chủng loại chè xanh đạt 52,6 nghìn tấn, trị giá 104 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là chủng loại chè đen đạt 42,2 nghìn tấn, trị giá 57,2 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và giảm 18,4% về trị giá; chè ướp hoa đạt 3,5 nghìn tấn, trị giá 7,3 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 6,7% về trị giá.
Đáng chú ý, xuất khẩu chè ô long đạt 1,1 nghìn tấn, trị giá 3,5 triệu USD, tăng 101,8% về lượng và tăng 106,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hầu hết trị giá nhập khẩu chè tại các thị trường lớn trên thế giới từ Việt Nam đều chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, dù nhu cầu thị trường yếu thì ngành chè của Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị phần.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người trồng chè liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…
Tiềm năng khai thác thị trường lớn
Đối với thị trường EU, do điều kiện khí hậu, EU không sản xuất chè, hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu sản phẩm này từ các nước khác, do đó EU là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên toàn cầu.
Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu cho thấy, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chè của EU đạt 826 triệu USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,22% tổng trị giá nhập khẩu.
Tiềm năng xuất khẩu chè tới thị trường EU được cho là rất khả quan, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi. Theo đó, chè là một trong những mặt hàng được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho ngành chè của Việt Nam.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu phân tích: xuất khẩu chè sang EU vẫn chưa được như kỳ vọng, do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có chè.
Do đó để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, ngành chè cần tiếp tục thay đổi các phương thức sản xuất, trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Đối với thị trường Pakistan, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chè Pakistan, trong 11 tháng năm 2023, Pakistan nhập khẩu chè vào thị trường này đạt 507 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình kinh tế của Pakistan đối mặt với nhiều khó khăn, khiến nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm.
Trong cơ cấu thị trường cung cấp, trị giá nhập khẩu của Pakistan từ Việt Nam chỉ chiếm 1,23% tổng trị giá nhập khẩu, vẫn còn rất thấp so với nhu cầu của thị trường, vì vậy cơ hội để tăng thị phần vẫn còn để ngỏ.
Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu các thị trường nhập khẩu chè như: Hoa Kỳ, Anh và Hong Kong (Trung Quốc) cũng rất tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam mở rộng thị phần.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định của Hoa Kỳ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường như quy định về phòng vệ thương mại, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hoặc các quy định liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng lao động...
Với thị trường Anh, đây vốn là thị trường có những tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng nông sản. Đối với mặt hàng chè Anh luôn quan tâm đến tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Trong đó, nông sản nhập khẩu chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hoá chất dưới ngưỡng tối đa cho phép.
Do đó, để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, cần nâng cao nhận thức đối với người sản xuất trong việc hạn chế sử dụng phân bón và hoá chất, quy trình canh tác phải thể hiện trách nhiệm với xã hội, người tiêu dùng.
Để xuất khẩu chè vào thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp cần lưu ý, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm tại thị trường này rất cao, hệ thống cảnh báo nhanh, công tác hậu kiểm và quy định về nhãn mác nghiêm ngặt. Do đó, doanh nghiệp phải rất cẩn trọng trong quy trình sản xuất, chế biến và áp dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm.
Nguồn:Haiquanonline