menu search
Đóng menu
Đóng

Chỉ số giá thực phẩm thế giới cao nhất trong 6,5 năm, gây lo ngại lạm phát toàn cầu

10:06 08/02/2021

Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 1/2021 tăng tháng thứ tám liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.
Theo tổ chức FAO, chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 1/2021 đạt trung bình 113,3 điểm, tăng so với mức 108,6 điểm trong tháng 12/2020 sau khi đã điều chỉnh từ mức 107,5 điểm trước đó, trong đó giá các loại ngũ cốc, đường và dầu thực vật tăng mạnh nhất.
Các quốc gia đang có chính sách để giải quyết tình trạng tăng giá thực phẩm trong nước bằng cách giảm xuất khẩu ra nước ngoài, mặc dù những động thái này khiến giá thực phẩm thế giới tăng cao; cụ thể giá ngô đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Trung Quốc – nước tiêu thụ ngũ cốc hàng đầu thế giới đang tăng cường dự trữ, trong khi Achentina đã tạm ngừng xuất khẩu ngô cho đến ngày 28/2/2021; Nga cũng áp thuế đối với xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và ngô.
Ngân hàng Thế giới cho biết, tháng 12 giá lương thực tăng, trong khi thu nhập giảm đã làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế của hầu hết các quốc gia.
Theo FAO, sản lượng ngũ cốc trên toàn thế giới năm 2020 vẫn đạt kỷ lục, nhưng dự trữ giảm mạnh và nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc bất ngờ tăng. Chỉ số giá ngũ cốc tháng 1/2021 tăng 7,1% so với tháng 12/2020, trong đó giá ngô tăng mạnh nhất 11,2%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 42,3%, một phần do Trung Quốc đẩy mạnh mua vào, trong khi dự kiến sản lượng của Mỹ giảm.
Giá lúa mì tăng 6,8% do nhu cầu thế giới tăng mạnh, trong khi Nga giảm xuất khẩu do thuế xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi vào tháng 3/2021.
Giá đường tăng 8,1% do lo ngại sản lượng ở EU, Nga và Thái Lan giảm và thời tiết ở Nam Mỹ khô hạn đẩy nhu cầu nhập khẩu tăng.
Chỉ số giá dầu thực vật tăng 5,8% lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2012, một phần do sản lượng dầu cọ ở Indonesia và Malaysia thấp hơn dự kiến, làm xuất khẩu giảm và các cuộc đình công ở Achentina kéo dài. Giá sữa tăng 1,6% do Trung Quốc đẩy mạnh mua vào trước kỳ nghỉ Tết sắp tới.
Chỉ số giá thịt tăng 1%, do nhu cầu nhập khẩu gia cầm tăng mạnh, đặc biệt từ Brazil, trong khi dịch cúm gia cầm bùng phát của một số nước châu Âu đã cản trở xuất khẩu.
Sản lượng ngũ cốc tăng
FAO đã điều chỉnh dự báo về sản lượng ngũ cốc năm 2020 lên 2,744 tỷ tấn so với ước tính trước đó vào tháng 12/2020 là 2,742 tỷ tấn, trong đó sản lượng lúa mì và gạo đều tăng. Dự báo sản lượng ngũ cốc thô của Mỹ và Ukraine giảm.
Cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết, Trung Quốc đã bất ngờ tăng nhập khẩu ngô trong mùa vụ này, điều đó đã tác động lớn đến tiêu thụ và dự trữ ngô trên thế giới.
Dự báo tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới trong vụ mùa 2020/21 là 2,761 tỷ tấn so với ước tính trước đó là 2,744 tỷ tấn. Dự báo dự trữ ngũ cốc thế giới ở mức 802 triệu tấn, giảm so với mức 866,4 triệu tấn ước tính trước đó, tỷ lệ dự trữ ngũ cốc trên thế giới sẽ giảm từ 29,7% trong vụ mùa 2019/20 xuống 28,3% vào vụ mùa 2020/21, đánh dấu mức thấp nhất trong bảy năm qua, chủ yếu do dự trữ ngô ở Trung Quốc giảm.
FAO dự báo về xuất khẩu ngũ cốc thế giới trong mùa vụ 2020/21 tăng thêm 10,6 triệu tấn lên 465,2 triệu tấn, tăng 5,7% so với mức cao kỷ lục của mùa trước, trong đó tất cả các loại ngũ cốc chính dự kiến sẽ tăng.

Nguồn:VITIC/Reuters