Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 15/7 vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1,5 triệu ha lúa hè thu, thu hoạch được hơn 427.000 ha, bằng khoảng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, còn trên 1 triệu ha lúa đang chờ thu hoạch.
Trong khi sản lượng lúa chờ thu hoạch còn khá lớn thì việc tiêu thụ thời gian gần đây lại gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 khiến thương lái không thể đến thu mua.
Trước thực tế này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã đề xuất có ý kiến với Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa gạo vào kho dự trữ quốc gia với mục đích kích cầu, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Chia sẻ với người viết, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng: "Việc Bộ NN&PTNT kêu gọi doanh nghiệp tăng cường mua tạm trữ lúa gạo là đúng đắn, kịp thời giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng tại nhiều quốc gia nhập khẩu khiến người mua dù có tiền vẫn không thể vận chuyển, đưa hàng về được".
Ông Bình nhấn mạnh đề xuất này hoàn toàn hợp lý bởi vì dù doanh nghiệp hiện chưa thể xuất khẩu nhưng có thể dự trữ để qua dịch bán, thiệt hại dù có vẫn ít hơn nếu người nông dân để lúa chín ngoài đồng, không bán được.
Bộ NN&PTNT đề xuất có ý kiến với Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa gạo vào kho dự trữ quốc gia với mục đích kích cầu. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Thực tế, khi bước vào thu hoạch lúa hè thu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá lúa tại nhiều địa phương đột ngột giảm. Như tại An Giang, lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 5.700 - 6.000 đồng/kg, giảm khoảng 500 đồng/kg so với cách đây một tháng.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: "Giá lúa hè thu ở ĐBSCL hiện tại đang thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2020 từ 300 - 500 đồng/kg, thậm chí có nơi 800 đồng/kg nhưng không có người thu hoạch, không có người mua do khó khăn trong tình hình giãn cách xã hội và các chi phí tăng như chi phí test lái xe, người vận chuyển, rủi ro dịch bệnh nên thương lái cũng bỏ cọc.
Nếu không giải quyết nhanh, thấu đáo việc này sẽ ảnh hưởng kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ đông xuân và ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành", ông Cường nói.
Đây cũng là chia sẻ của ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, khi cho rằng đề xuất của Bộ NN&PTNT là điều tốt tuy nhiên sẽ không hiệu quả.
"Thực tế hiện nay người dân gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá qua lại giữa các tỉnh thành, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá xuất khẩu. Các nhà máy, các kho đã ngưng hoạt động khiến các thương lái đồng loạt hủy cọc và hợp đồng.
Trong khi đó, nông dân đang thu hoạch vụ mùa, nhưng không biết bán cho ai. Kế hoạch tự thu hoạch, tự sấy khô theo truyền thống là không khả thi do thiếu nhân lực. Và không thể tập trung nhân lực vào thời điểm này", ông Có cho biết.
Mặc khác, nhu cầu xuất khẩu gạo cũng đang giảm do vận chuyển quốc tế khó khăn. Tất cả hãng tàu ưu tiên hàng đi Mỹ bởi thu được lợi nhuận cao nhất. Thêm nữa các cảng đã ngừng dịch vụ đóng hàng tại cảng nên việc giao hàng sẽ hạn chế số lượng.
Do đó, theo ông Phan Văn Có nếu mua tạm trữ thì các kho phải mở cửa thu mua hàng, các thương lái phải được đi lại tự do thì việc thu mua mới triển khai được.
"Giải pháp hiệu quả nhất là các tỉnh phải cho thương lái vào thu mua và bán bình thường trong phạm vi tỉnh mình. Cho phép các máy cắt lúa, máy kéo cũng như phương tiện vận chuyển được đi lại bình thường và đảm bảo quy tắc 5K", Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE đề xuất.
Còn theo ông Phạm Thái Bình để doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo theo đề xuất của Bộ NN&PTNT thì phải được ngân hàng cho vay vốn.
"Doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nông dân, sẽ tự chịu trách nhiệm lãi, lỗ trong việc thu mua tạm trữ này nhưng nguồn vốn đó doanh nghiệp không tự lo được. Do đó, việc này cần phải có chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, để ngân hàng cho doanh nghiệp vay thêm vốn mua tạm trữ ngoài nguồn vốn sản xuất đã có, như vậy thì đề xuất này mới khả thi”, ông Bình chia sẻ.
Nguồn:doanhnghiep.vn