menu search
Đóng menu
Đóng

Diện tích ca cao ở Đắk Lắk đang có xu hướng giảm

15:08 07/11/2016

Theo kế hoạch đến năm 2015, diện tích cây ca cao ở tỉnh Đắk Lắk sẽ là 6.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay, cả tỉnh chỉ có trên 2.049 ha ca cao, trong đó có trên 1.300 ha ca cao đã cho thu hoạch.

Nhất là trong 2 năm trở lại đây, diện tích cây ca cao của tỉnh Đắk Lắk không những không tăng mà còn có xu hướng giảm dần, nhất là ở các địa bàn Cư M’gar, Krông Năng, Ea Kar, Cư Kuin, Krông Ana đồng bào đã chặt bỏ ca cao, chuyển sang trồng hồ tiêu và các loại cây ăn quả dài ngày có giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhận định: nguyên nhân cây ca cao không thể cạnh tranh với các loại cây công nghiệp dài ngày khác trên địa bàn là do cách tiếp cận để hoạch định, định hướng phát triển cây ca cao không phù hợp; không còn quỹ đất để phát triển cây ca cao tập trung mà chủ yếu trồng ở vườn nhà, trồng xen với các loại cây trồng khác.

Ngoài ra, còn do thiếu các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho việc phát triển ca cao, nhất là vấn đề thiếu vốn đầu tư phát triển ca cao, giá thu mua ca cao có nhiều biến động. Việc liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ chưa được hình thành, tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của đồng bào các dân tộc; tính cạnh tranh so với một số cây trồng khác không cao.

Những năm đầu trồng ca cao, nhiều ý kiến cho rằng cây ca cao dễ tính, có thể sinh trưởng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau nên nhiều nơi đồng bào đã trồng ở những vùng điều kiện tự nhiên không thuận lợi như đất xấu, khô cằn, thiếu nước tưới… nên vườn cây không phát triển được. Hơn nữa đây cũng là cây trồng mới đối với đồng bào các dân tộc, lại hay bị các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại, trái ca cao chín thường bị các loại gặm nhấm cắn phá nên gây tâm lý e ngại cho đồng bào…

Tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn chủ trương tiếp tục phát triển cây ca cao trên cơ sở quy hoạch, xác định quy mô sản xuất theo nhu cầu thị trường, không phát triển theo phong trào. Tỉnh đã chỉ đạo các vùng trồng ca cao lồng ghép với các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững để có định hướng đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ca cao bền vững. Đắk Lắk cũng có chính sách khuyến khích, nhất là cơ chế tín dụng để các nông hộ và các thành phần kinh tế khác tham gia phát triển cây ca cao…

Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống ca cao có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với các vùng sinh thái. Đồng thời, có chính sách về tổ chức ngành hàng, hỗ trợ cho phát triển ca cao nông hộ, kêu gọi các nhà đầu tư, nhà thu mua tham gia chương trình phát triển ca cao của các địa phương…

Nguồn: Quang Huy/TTXVN

http://bnews.vn/dien-tich-ca-cao-o-dak-lak-dang-co-xu-huong-giam/28018.html