Thông báo từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết “Các đối tác thương mại đã phản hồi về những khó khăn trong việc chuẩn bị để đáp ứng những quy định. Do đó, uỷ ban đã đề xuất cho các bên liên quan gia hạn thêm thời gian”. Đồng thời, EC công bố hướng dẫn tuân thủ chi tiết cho các nhà xuất khẩu, theo Financial Times.
Đề xuất này cần được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên thông qua trước khi luật dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/12. Nếu được chấp thuận, luật sẽ được thực thi sau 12 tháng.
Luật này nhằm ngăn người tiêu dùng châu Âu tham gia gián tiếp vào việc phá rừng. Các mặt hàng như cà phê, ca cao, cao su, gỗ và dầu cọ sẽ không được nhập khẩu vào EU nếu chúng được trồng trên những khu vực rừng bị phá.
Tuần trước, 27 hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, đại diện cho nông dân, nhà xuất bản và nhà sản xuất, đã kêu gọi hoãn thực hiện luật này. Đức và một số quốc gia khác cũng ủng hộ yêu cầu này. Các nhóm ngành khác cũng cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá các sản phẩm thiết yếu như cà phê, đậu nành, thịt bò và cao su sẽ tăng lên.
Ông Manfred Weber, lãnh đạo Đảng Nhân dân châu Âu – đảng chính trị lớn nhất trong EU và là thành viên của Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen, ủng hộ việc trì hoãn này.
Các quốc gia sản xuất lớn như Brazil và Ấn Độ cho rằng luật này là mang tính bảo hộ. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu cọ ở Indonesia cho rằng họ không thể tuân thủ vì còn chờ chính phủ cho phép chia sẻ thông tin vị trí địa lý.
Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường đã lên án quyết định trì hoãn này. Ông Julian Oram, giám đốc chính sách cấp cao tại tổ chức bảo vệ môi trường Mighty Earth, cho rằng: "Đây là một hành động phá hoại thiên nhiên, chỉ làm gia tăng sự tàn phá rừng nhiệt đới, đe dọa cả con người và động vật, trong khi đẩy mục tiêu bảo vệ khí hậu và thiên nhiên ngày càng xa vời."
Cùng ngày, ủy ban cũng công bố cách thức phân loại các quốc gia theo mức độ rủi ro cao, trung bình hoặc thấp, điều này sẽ quyết định mức độ giám sát xuất khẩu của họ. "Phần lớn các quốc gia trên thế giới sẽ được xếp vào loại rủi ro thấp," ủy ban cho biết.
Nhiều quốc gia sản xuất như Thái Lan, Việt Nam và Brazil đã áp dụng các biện pháp để tuân thủ các quy định mới. Một số công ty cũng đã thúc giục thực thi nhanh chóng luật này.
Tuy nhiên, theo một báo cáo nội bộ, Fediol – tổ chức đại diện cho ngành dầu thực vật EU – đã cảnh báo rằng các nhà nhập khẩu có thể phải "vi phạm luật pháp của nước sản xuất để tuân thủ Quy định về Phá rừng của EU," ám chỉ đến Indonesia.
"Tình huống khác là các doanh nghiệp có thể sẽ ngừng nhập khẩu từ những quốc gia này, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung quan trọng," tài liệu bổ sung.
Indonesia là nhà cung cấp dầu cọ lớn nhất của EU, chiếm khoảng 40% lượng nhập khẩu dầu cọ của khu vực này. Dầu cọ được sử dụng trong nhiều sản phẩm từ thực phẩm, mỹ phẩm đến dược phẩm. Vào tháng 9, Hiệp hội Dầu cọ Indonesia đã yêu cầu chính phủ cho phép chia sẻ một số dữ liệu để tuân thủ quy định phá rừng của EU, theo lời chủ tịch Eddy Martono.
"Chúng tôi đã đề xuất chỉ chia sẻ thông tin vị trí địa lý cho những khu vực đã trồng hoặc thu hoạch, thay vì toàn bộ bản đồ giấy phép của công ty," ông Martono nói.
Indonesia có các quy định nghiêm ngặt về việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến đất nông nghiệp, như ranh giới của các khu vực nhượng quyền, vì lý do an ninh quốc gia và bảo mật thông tin. Chính phủ nước này cũng đã từ chối tuân thủ một phán quyết năm 2017 của Tòa án Tối cao yêu cầu công khai bản đồ và dữ liệu chi tiết về các đồn điền dầu cọ.
Theo hiệp hội, các nhà sản xuất không thể chia sẻ dữ liệu mà không có sự cho phép từ chính phủ.
Ngành công nghiệp dầu cọ của Indonesia đã bị chỉ trích vì gây ra nạn phá rừng và các thiệt hại môi trường khác. Các nhóm bảo vệ môi trường từ lâu đã kêu gọi tăng cường tính minh bạch để giám sát chặt chẽ hơn ngành này.
Giám đốc điều hành Fediol, ông Nathalie Lecocq, cho biết hệ thống công nghệ thông tin toàn cầu đang ghi nhận các lô hàng có thể bị quá tải vì lượng dữ liệu khổng lồ cần phải được nộp.
Ủy ban châu Âu cho biết họ đã đồng ý "tăng cường thảo luận với Indonesia về các vấn đề quyền riêng tư dữ liệu, nhằm giải quyết bất kỳ lo ngại nào còn tồn tại."
Nguồn:H.Mĩ/Doanh nghiệp & Kinh doanh