menu search
Đóng menu
Đóng

FAO: Chỉ số giá thực phẩm thế giới năm 2022 tăng 14,3%

16:00 25/01/2023

Chỉ số giá thực phẩm thế giới năm 2022 đạt trung bình 143,7 điểm, tăng tới 18 điểm so với năm 2021, tương đương  tăng 14,3%.
Theo Tổ chức FAO, chỉ số giá lương thực thế giới (FFPI) tháng 12/2022 đạt trung bình 132,4 điểm, giảm 2,6 điểm (giảm 1,9%) so với tháng 11/2022, đánh dấu tháng giảm thứ chín liên tiếp và giảm 1,3 điểm (giảm 1%) so với tháng 12/2021, nguyên nhân do giá dầu thực vật thế giới giảm mạnh, cùng với một số đợt giảm giá ngũ cốc và giá thịt, nhưng được hỗ trợ một phần bởi giá đường và sữa tăng nhẹ. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, chỉ số giá thực phẩm thế giới đạt trung bình 143,7 điểm, tăng tới 18 điểm so với năm 2021, tương đương tăng 14,3%.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 12/2022 đạt trung bình 147,3 điểm, giảm 2,9 điểm (giảm 1,9%) so với tháng 11/2022, nhưng vẫn tăng 6,8 điểm (tăng 4,8%) so với tháng 12/2021. Giá xuất khẩu lúa mì trong tháng 12 giảm do các vụ thu hoạch đang diễn ra ở Nam bán cầu làm tăng nguồn cung và cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu vẫn mạnh. Giá ngô thế giới tháng 12/2022 cũng giảm so với tháng 11/2022, chủ yếu do cạnh tranh mạnh từ Brazil, mặc dù lo ngại về tình trạng khô hạn ở Achentina đã hỗ trợ phần nào.
Bị ảnh hưởng bởi tác động lan tỏa từ thị trường ngô và lúa mì, giá bo bo và lúa mạch thế giới cũng giảm. Ngược lại, nhập khẩu gạo của các nước châu Á tăng và đồng tiền ở một số nước xuất khẩu tăng giá so với đồng đô la Mỹ đã khiến giá gạo thế giới tăng trong tháng 12. Nhìn chung, trong năm 2022, Chỉ số giá ngũ cốc thế giới đạt mức cao kỷ lục mới là 154,7 điểm, tăng 23,5 điểm (tăng 17,9%) so với năm 2021, tăng 12,5 điểm (tăng 8,8%) so với kỷ lục trung bình được ghi nhận vào năm 2011.
Giá ngô và lúa mì thế giới đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2022, trung bình tăng lần lượt là 24,8% và 15,6% so với mức trung bình của năm 2021, trong khi giá xuất khẩu gạo trung bình tăng 2,9% so với năm 2021. Chỉ số giá ngũ cốc năm 2022 tăng là do nhiều yếu tố, bao gồm sự gián đoạn thị trường, sự không chắc chắn, chi phí đầu vào và năng lượng tăng, thời tiết bất lợi ở một số nhà cung cấp chính và nhu cầu lương thực toàn cầu tiếp tục tăng mạnh.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 12/2022 đạt trung bình 144,4 điểm, giảm 10,3 điểm (giảm 6,7%) so với tháng 11/2022 và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, nguyên nhân do giá dầu cọ, đậu tương, hạt cải dầu thế giới và dầu hạt hướng dương giảm. Giá dầu cọ thế giới giảm gần 5% sau khi phục hồi trong thời gian ngắn trong tháng 11/2022, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu chậm lại, mặc dù sản lượng giảm ở các nước sản xuất dầu cọ lớn do mưa quá nhiều. Giá dầu đậu tương thế giới giảm mạnh, chủ yếu do triển vọng tích cực về sản lượng tăng ở Nam Mỹ. Giá dầu hạt cải dầu và hạt hướng dương thế giới giảm do nguồn cung toàn cầu dồi dào và nhu cầu nhập khẩu giảm, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu. Giá dầu khoáng thô giảm cũng gây áp lực giảm giá dầu thực vật thế giới. Nhìn chung trong năm 2022, Chỉ số giá dầu thực vật thế giới đạt trung bình 187,8 điểm, tăng 22,9 điểm (tăng 13,9%) so với năm 2021 và đánh dấu mức cao kỷ lục mới.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 12/2022 đạt trung bình 139,1 điểm, tăng 1,5 điểm (tăng 1,1%) so với tháng 11/2022, ghi nhận mức tăng sau 5 tháng giảm liên tiếp và tăng 10,1 điểm (tăng 7,9%) so với tháng 12/2021. Trong tháng 12/2022, giá phô mai thế giới tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng mạnh và khả năng xuất khẩu khan hiếm trong bối cảnh doanh số bán lẻ nội địa và dịch vụ cao, đặc biệt là ở Tây Âu. Ngược lại, giá bơ thế giới giảm tháng thứ 6 liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tiếp tục chậm lại và lượng hàng tồn kho trong nước có đủ để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn. Trong khi đó, giá sữa bột thế giới giảm nhẹ, do giá ở Tây Âu giảm, chủ yếu do nhu cầu giao ngay giảm, tuy nhiên giá từ Châu Đại Dương tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu từ Đông Nam Á tăng và do biến động tiền tệ. Nhìn chung, vào năm 2022, Chỉ số giá sữa thế giới đạt trung bình 142,5 điểm, tăng 23,3 điểm (tăng 19,6%) so với năm 2021 và đạt mức trung bình cao nhất kể từ năm 1990.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 12/2022 đạt trung bình 113,8 điểm, giảm 1,4 điểm (giảm 1,2%) so với tháng 11/2022, đánh dấu tháng giảm thứ sáu liên tiếp, nhưng vẫn tăng 2,8 điểm (tăng 2,5%) so với tháng 12/2021. Sự sụt giảm trong tháng 12 là do giá thịt gia súc và gia cầm trên thế giới giảm, được bù đắp một phần bởi giá thịt lợn và thịt cừu tăng. Giá thịt bò thế giới giảm do áp lực bởi nguồn cung gia súc giết mổ tăng ở một số nước sản xuất lớn và nhu cầu toàn cầu giảm đối với nguồn cung trong trung hạn. Trong khi đó, giá thịt gia cầm giảm do nguồn cung xuất khẩu dư thừa, mặc dù sản xuất bị đình trệ do dịch cúm gia cầm gia tăng. Ngược lại, giá thịt lợn thế giới tăng, do nhu cầu nội địa tăng trước dịp Giáng sinh, đặc biệt là ở châu Âu, trong khi giá thịt cừu tăng do biến động tiền tệ. Nhìn chung, trong năm 2022, Chỉ số giá thịt thế giới đạt trung bình 118,9 điểm, tăng 11,2 điểm (tăng 10,4%) so với năm 2021, đánh dấu mức trung bình hàng năm cao nhất kể từ năm 1990.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 12/2022 đạt trung bình 117,2 điểm, tăng 2,8 điểm (tăng 2,4%) so với tháng 11/2022, ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua. Giá đường thế giới tháng 12/2022 tăng chủ yếu do những lo ngại về tác động của điều kiện thời tiết bất lợi đối với năng suất trồng mía ở Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, và sự chậm trễ trong quá trình ép mía ở Thái Lan và Australia. Nhìn chung trong năm 2022, Chỉ số giá đường thế giới đạt trung bình 114,5 điểm, tăng 5,1 điểm (tăng 4,7%) so với năm 2021 và đạt mức trung bình hàng năm cao nhất kể từ năm 2012.

Nguồn:Vinanet/VITIC/.fao.org