menu search
Đóng menu
Đóng

FAO: Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 3/2023 tiếp tục giảm

15:54 11/04/2023

Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 3/2023 (FFPI) đạt trung bình 126,9 điểm, giảm 2,8 điểm (giảm 2,1%) so với tháng 2/2023, đánh dấu tháng giảm thứ mười hai liên tiếp kể từ khi đạt mức cao nhất trong tháng 3/2022. 
Trong 12 tháng qua kể từ tháng 3/2022, chỉ số này đã giảm tới 32,8 điểm (giảm 20,5%). Chỉ số tháng 3/2023 giảm là do chỉ số giá ngũ cốc, dầu thực vật và sữa giảm, trong khi chỉ số đường và thịt tăng.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 3/2023 đạt trung bình 138,6 điểm, giảm 8,2 điểm (giảm 5,6%) so với tháng 2 và giảm 31,6 điểm (giảm 18,6%) so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá tất cả các loại ngũ cốc chủ yếu đều giảm. Giá lúa mì giảm mạnh nhất, giảm 7,1% do nguồn cung toàn cầu dồi dào và có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà xuất khẩu. Việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu từ các cảng Biển Đen, cũng góp phần làm giá giảm. Ước tính sản lượng lúa mì của Australia và EU trong tháng 4/2023 tăng, đã thúc đẩy nguồn cung toàn cầu tăng hơn nữa. Cạnh tranh mạnh mẽ từ Liên bang Nga, nơi nguồn cung cao cũng duy trì áp lực giảm giá trên thị trường. Giá ngô thế giới tháng 3/2023 cũng giảm 4,6% do chịu áp lực bởi nguồn cung tăng từ các vụ thu hoạch ở Nam Mỹ, và dự kiến về sản lượng kỷ lục ở Brazil và việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Trong số các loại ngũ cốc thô khác, giá lúa mạch và giá hạt bo bo thế giới lần lượt giảm 6,7% và 5,7%, do ảnh hưởng từ sự giảm giá ngô và lúa mì. Giá gạo thế giới tháng 3/2023 giảm 3,2% do các vụ đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch ở các nước xuất khẩu lớn, bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 3/2023 đạt trung bình 131,8 điểm, giảm 4,1 điểm (giảm 3%) so với tháng 2/2023 và giảm 47,7% so với tháng 3/2022, chủ yếu do giá dầu đậu tương, hạt cải dầu và dầu hướng dương giảm, bù đắp cho giá dầu cọ thế giới tăng. Sau khi giảm trong ba tháng liên tiếp, giá dầu cọ thế giới đã tăng trở lại vào tháng 3/2023, do sản lượng ở Đông Nam Á giảm do thời tiết bất lợi và lũ lụt ở một số khu vực trồng, trong khi nguồn cung để xuất khẩu toàn cầu giảm trong bối cảnh Indonesia tạm thời hạn chế xuất khẩu. Ngược lại, giá dầu đậu tương thế giới tiếp tục giảm, giá hạt cải dầu và dầu hướng dương cũng tiếp tục giảm do nguồn cung thế giới dồi dào và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 3/2023 đạt trung bình 130,3 điểm, giảm 1,1 điểm (giảm 0,8%) so với tháng 2/2023 và giảm 15,6 điểm (giảm 10,7%) so với tháng 3/2022 do giá bột phô mai và sữa giảm, trong khi giá bơ tăng. Giá phô mai giảm do việc thu mua của hầu hết các nhà nhập khẩu hàng đầu ở châu Á giảm trong bối cảnh nguồn cung cho xuất khẩu tăng, bao gồm cả hàng tồn kho ở các nhà xuất khẩu hàng đầu. Giá sữa bột giảm tháng thứ 9 liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu chậm lại, trong khi sản lượng sữa ở Tây Âu mùa này tăng. Ngược lại, giá bơ tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là từ các nước Bắc và Đông Nam Á, trong khi nguồn cung từ Australia, nơi sản lượng sữa mùa này giảm một chút so với nhu cầu.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 3/2023 đạt trung bình 113,0 điểm, tăng nhẹ (tăng 0,9 điểm và tăng 0,8%) so với tháng 2/2023 nhưng giảm 6,3 điểm (giảm 5,3%) so với tháng 3/2022. Tháng 3/2023, giá thịt bò tăng do ảnh hưởng bởi giá nội địa tại Mỹ tăng, nơi nguồn cung gia súc dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới. Giá thịt lợn tăng nhẹ, chủ yếu do giá tăng ở châu Âu do nguồn cung tiếp tục hạn hẹp và nhu cầu tăng trước lễ Phục sinh. Ngược lại, giá thịt gia cầm giảm tháng thứ chín liên tiếp do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm, bất chấp những thách thức về nguồn cung trong bối cảnh dịch cúm gia cầm lan rộng ở một số nước xuất khẩu lớn. Giá thịt cừu trung bình cũng giảm so với mức giá cao trong tháng 2/2023, do nhu cầu trước lễ Phục sinh tăng và tác động của biến động tỷ giá hối đoái.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 3/2023 đạt trung bình 127 điểm, tăng 1,8 điểm (tăng 1,5%) so với tháng 2/2023, đánh dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2016, Giá tăng chủ yếu là do lo ngại về nguồn cung đường toàn cầu trong niên vụ 2022/23 giảm, do sản lượng của Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, dự báo sản lượng vụ mía sắp thu hoạch tại Brazil sẽ tăng đã hạn chế áp lực tăng giá đường. Giá dầu thô thế giới giảm khuyến khích sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất đường ở Brazil, cùng với việc đồng real Brazil yếu đi so với đồng đô la Mỹ đã góp phần hạn chế đà tăng của giá đường thế giới so với tháng trước.

Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO