menu search
Đóng menu
Đóng

FAO: Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 5/2023 giảm trở lại

15:59 07/06/2023

 Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 5/2023 (FFPI) đạt trung bình 124,3 điểm, giảm 3,4 điểm (giảm 2,6%) so với tháng 4/2023 và giảm mạnh 35,4 điểm (giảm 22,1%) so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 3/2022. 
Mức giảm trong tháng 5/2023 chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của chỉ số giá dầu thực vật, ngũ cốc và sữa, được bù đắp một phần bởi sự tăng chỉ số giá đường và thịt.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 5/2023 đạt trung bình 129,7 điểm, giảm 6,5 điểm (giảm 4,8%) so với tháng 4/2023 và giảm tới 43,9 điểm (giảm 25,3%) so với mức cao kỷ lục một năm trước. Giá lúa mì thế giới tháng 5/2023 giảm 3,5% so với tháng 4/2023, do triển vọng nguồn cung toàn cầu dồi dào trong niên vụ 2023/24 sắp tới và việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Giá ngô thế giới tháng 5/2023 giảm 9,8% do triển vọng thuận lợi cho niên vụ 2023/24 cho thấy nguồn cung toàn cầu phục hồi, với dự kiến sản lượng ở hai nước xuất khẩu lớn là Brazil và Mỹ tăng, đã gây áp lực lên giá. Tốc độ xuất khẩu của Mỹ chậm, cùng với việc Trung Quốc hủy nhập khẩu, cũng gây áp lực giảm giá ngô thế giới. Trong số các loại ngũ cốc thô khác, giá lúa mạch và hạt bo bo cũng giảm lần lượt là 9,5% và 9,7%, do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá ngô và lúa mì thế giới. Ngược lại, giá gạo thế giới tháng 5/2023 tiếp tục tăng, do các thỏa thuận trước đó với các nước xuất khẩu châu Á được thực hiện và nguồn cung hạn hẹp ở một số nước xuất khẩu, như Việt Nam và Pakistan.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 5/2023 đạt trung bình 118,7 điểm, giảm 11,3 điểm (giảm 8,7%) so với tháng 4/2023 và giảm tới 48,2% so với tháng 5/2022, chủ yếu do sự sụt giảm liên tục của giá dầu cọ, dầu đậu tương, hạt cải dầu và hướng dương. Giá dầu cọ thế giới giảm mạnh từ tháng 4/2023, do lượng nhập khẩu toàn cầu yếu kéo dài trùng hợp với kỳ vọng sản lượng tăng ở các nước sản xuất lớn. Trong khi đó, giá dầu đậu tương thế giới giảm tháng thứ sáu liên tiếp, chủ yếu do áp lực dai dẳng từ vụ mùa đậu tương bội thu ở Brazil và dự trữ ở Mỹ dự kiến tăng. Đối với dầu hạt cải dầu và dầu hướng dương, giá thế giới tiếp tục giảm do nguồn cung toàn cầu dồi dào.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 5/2023 đạt trung bình 118,7 điểm, giảm 3,9 điểm (giảm 3,2%) so với tháng 4/2023 và giảm 25,5 điểm (giảm 17,7%) so với tháng 5/2022 do giá phô mai thế giới giảm mạnh, chủ yếu là do lượng hàng xuất khẩu dồi dào, hàng tồn kho lớn, trong bối cảnh sản lượng sữa ở Bắc bán cầu tăng. Sau 10 tháng giảm liên tiếp, giá sữa bột tăng trở lại, phản ánh nhu cầu nhập khẩu của các nước Bắc Á tăng và nguồn cung sữa ở Australia giảm. Trong khi đó, giá bơ tăng nhẹ do lượng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á tăng trong khi nguồn cung giảm.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 5/2023 đạt trung bình 117,9 điểm, tăng 1,1 điểm (tăng 1%) so với tháng 4/2023, đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp, nhưng vẫn thấp hơn 5 điểm (4,1%) so với tháng 5/2022. Giá thịt gia cầm thế giới tháng 5/2023 tiếp tục tăng, do nhu cầu nhập khẩu tiếp tục cao, đặc biệt là từ châu Á và một số lo ngại về nguồn cung ngắn hạn do dịch cúm gia cầm lan rộng. Giá thịt bò thế giới tăng nhẹ, do nhu cầu toàn cầu tăng đối với nguồn cung từ Brazil và tình trạng khan hiếm nguồn cung liên tục ở Mỹ, bất chấp việc giết mổ gia súc ở Austraila tiếp tục ở mức cao. Giá thịt lợn tăng tháng thứ tư liên tiếp, mặc dù chỉ tăng nhẹ, vì nguồn cung hạn chế do chi phí sản xuất tăng và dịch bệnh động vật đã thúc đẩy nhu cầu đối với nguồn cung của Brazil. Trong khi đó, giá thịt cừu thế giới giảm do nguồn cung xuất khẩu cao từ Australia.

Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO