Trong báo cáo sáu tháng về thị trường thực phẩm toàn cầu, FAO dự báo sản lượng thịt toàn cầu năm 2024 sẽ tăng nhẹ lên 371 triệu tấn. Sản lượng tăng được dự đoán ở tất cả các khu vực, ngoại trừ châu Á, đáng chú ý nhất là sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc giảm mạnh.
Năm 2024, dự báo sản lượng thịt gia cầm dẫn đầu về mức tăng trưởng, sẽ tăng 0,8% so với năm ngoái, lên 146 triệu tấn. Sản lượng thịt bò và thịt cừu toàn cầu cũng được dự báo sẽ. Ngược lại, sản lượng thịt lợn toàn cầu được dự đoán sẽ giảm khoảng 1,2 triệu tấn (tương đương 0,9%) so với năm 2023. Mức giảm này chủ yếu được dự đoán là do sự sụt giảm ở Trung Quốc sau những nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát tình trạng dư nguồn cung và duy trì sự ổn định giá trong nước bằng cách giảm số lượng lợn nái sinh sản và điều chỉnh mục tiêu dự trữ thịt lợn quốc gia.
Thương mại thịt và các sản phẩm từ thịt trên thế giới được dự báo sẽ phục hồi sau 2 năm sụt giảm liên tiếp. Sự phục hồi chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu nhập khẩu bền vững ở tất cả các khu vực, đặc biệt là ở Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, triển vọng tích cực này có thể bị ảnh hưởng bởi các hạn chế thương mại xuất phát từ sự lây lan của dịch bệnh ở động vật, các yếu tố địa chính trị và sức mua của người tiêu dùng bị hạn chế. Theo FAO, chỉ số giá thịt quốc tế tăng nhẹ từ tháng 1 đến tháng 5/2024 mặc dù tốc độ tăng giá đã chậm lại trong những tháng gần đây. Giá tăng được ghi nhận ở các loại thịt bò, gia cầm và thịt lợn, chủ yếu do nhu cầu ổn định từ các nước nhập khẩu hàng đầu, bất chấp nguồn cung tăng từ các nước xuất khẩu thịt lớn. Ngược lại, giá thịt cừu quốc tế lại giảm, chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu dồi dào ở Châu Đại Dương, nhà cung cấp lớn nhất thế giới.
Nguồn:Vinanet/VITIC/pi333