Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình vệ tinh MBC Masr của Ai Cập, ông Hassan Fawzy, người đứng đầu Bộ phận Cà phê tại Phòng Thương mại Cairo, cho hay giá cà phê tại thị trường Ai Cập, quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cà phê nhập khẩu, đã tăng lên 900 EGP (hơn 29 USD)/kg. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê và Huy động Công Trung ương của Ai Cập, giá các mặt hàng cà phê, chè và cacao tại nước này trong tháng 12/2023 đã tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Fawzy nhận định có 3 nguyên nhân chính khiến giá cà phê tăng mạnh tại Ai Cập, cho rằng giá cà phê sẽ giảm 40% nếu những yếu tố đó được giải quyết. Ông đặc biệt nhấn mạnh tác động của tỷ giá đồng USD trên thị trường song song (thị trường chợ đen) đối với giá hàng hóa. Quan chức của Phòng Thương mại Cairo nói thêm các thương nhân thường phải huy động nguồn USD từ thị trường song song do họ không thể nhận được USD từ các ngân hàng, và điều này ảnh hưởng lớn đến chi phí nhập khẩu.
Ai Cập hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, chủ yếu là đồng USD, khiến tỷ giá của đồng bạc xanh tăng đột biến trên thị trường song song. Gần đây, một đồng USD đổi được 72 bảng Ai Cập (EGP) trên thị trường song song, trước khi giảm xuống còn 55 EGP/1USD vào ngày 4/2, trong khi tỷ giá chính thức là 1USD đổi 31EGP.
Ông Fawzy cũng chỉ ra rằng chi phí vận chuyển đã tăng gấp đôi do căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ. Căng thẳng đang ngày một leo thang ở Biển Đỏ khi lực lượng Houthi ở Yemen không ngừng tấn công các tàu thương mại ở vùng biển này và eo biển chiến lược Bab El-Mandeb. Ông Fawzy cho hay giá cà phê trên thị trường quốc tế cũng đã tăng đáng kể trong thời gần đây, nói rằng điều này đang tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Ai Cập. Theo ông Fawzy, sản lượng ở các quốc gia xuất khẩu cà phê đã giảm 15%.
Giới chuyên gia cho rằng sản lượng cà phê sụt giảm là do hiện tượng nóng lên toàn cầu, do đó nguồn cung cà phê thế giới rõ ràng đang bị đe dọa. Với nhiệt độ ngày càng gia tăng và lượng mưa thay đổi ở các khu vực sản xuất cà phê trọng điểm như Nam Mỹ, Trung Phi và Đông Nam Á, ngành sản xuất cà phê đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Theo một bài báo được đăng trên tạp chí Science of the Total Environment của nhà khoa học nông nghiệp Cássia Gabriel Dias, khoảng 35-75% diện tích trồng cà phê ở Brazil (Bra-xin), nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, có thể không sử dụng được vào cuối thế kỷ này.
Nguồn:Nguyễn Trường (P/V TTXVN Tại Cairo)/BNEWS