menu search
Đóng menu
Đóng

Giá cà phê tuần 42 (18/10 – 23/10): Một số quốc gia sản xuất cà phê đang xem xét rút ra khỏi ICO

15:54 25/10/2021

Giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên kết thúc tuần 42 (18/10 – 23/10) chốt ở 39.900 – 40.800 đồng/kg, tăng 400 đồng so với mức giá của tuần 41. Tại cảng TPHCM, robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% phiên cuối tuần 23/10 chốt tại 2.189 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Tại châu Á, giá cà phê Việt Nam ổn định do cung và cầu đều sụt giảm. Các thương nhân đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và các chính sách phòng ngừa Covid-19 trước mùa thu hoạch chính, bắt đầu vào tháng tới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, chu kỳ 10 năm của ngành hàng cà phê đang quay trở lại và dự báo sẽ đạt đỉnh vào cuối năm. Nếu giá cà phê lập đỉnh sẽ rất tốt cho người nông dân và ngành cà phê của Việt Nam, vì vào tháng 11 hàng năm là mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Nhưng khi đã lập đỉnh rồi thì cà phê sẽ quay đầu giảm giá, dù vậy giá sẽ vẫn tốt đến vụ cà phê năm sau.
Trên thị trường thế giới, kết thúc tuần 42, giá hai sàn giao dịch London và New York có diễn biến trái chiều. Tính chung cả tuần, giá robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London tăng 1,14% chốt ở 2.134 USD/tấn. Giá arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York giảm 1,77% xuống 202,6 US cent/lb. Các mức tăng và giảm đều rất đang kể, khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Đồng real suy yếu trở lại xuống mức thấp một năm rưỡi do sự bất ổn ngân sách của Chính phủ và tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và ngành bất động sản của đối tác kinh tế hàng đầu. Điều này đã kích thích nông dân Brazil tăng cường bán các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thế mạnh trong đó có cà phê. Ngoài ra, thị trường còn được sự hỗ trợ tích cực của các báo cáo thời tiết nhiều mưa, kích thích cây cà phê ra hoa vụ mới của chu kỳ “hai năm một” cho sản lượng cao trong năm 2022.
Một số quốc gia sản xuất cà phê trên thế giới đang xem xét việc rút ra khỏi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) vì cho rằng tổ chức này đã không đem lại lợi ích gì rõ rệt cho ngành cà phê của nước họ.
Cục Phát triển Cà phê Uganda, nước sản xuất cà phê robusta số 1 tại châu Phi hiện nay đã quyết định không tham gia tổ chức ICO từ ngày 01/02/2022. Trước đây Tanzania cũng đã chính thức làm đơn rời tổ chức này. Người ta lo ngại rằng khi Uganda rời tổ chức ngành hàng quan trọng trực thuộc Liên Hiệp Quốc, sẽ kéo theo nhiều nước sản xuất và xuất khẩu cà phê tại châu Phi.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters