menu search
Đóng menu
Đóng

Giá gạo ngày 19/1/2024: Gạo Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt tăng

17:27 19/01/2024

Giá gạo đồ xuất khẩu từ trung tâm hàng đầu Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng, trong khi nhu cầu mạnh và nguồn cung giảm đã hỗ trợ giá gạo Thái Lan.
 
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo ở mức 525 USD đến 535 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 9, tăng từ mức 510 USD lên 517 USD của tuần trước.
Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành tại Satyam Balajee, nhà xuất khẩu hàng đầu cho biết, bất chấp nhu cầu yếu, giá vẫn tăng do nguồn cung lúa giảm do chính phủ mua mạnh.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 665 USD/tấn, tăng so với mức 648-650 USD/tấn của tuần trước.
Các thương nhân Thái Lan ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia và một số thị trường châu Phi đã đẩy giá tăng cao.
Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết: “Có rất nhiều nhu cầu mới từ Indonesia sau khi họ công bố kế hoạch mua gạo từ nhiều nước, tạo ra nhiều hoạt động cho thị trường, khiến giá tăng cao”.
Nguồn cung cũng giảm, điều này cũng góp phần đẩy giá tăng. Các thương nhân cho biết nguồn cung mới dự kiến sẽ gia nhập thị trường vào khoảng tháng tới.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm ổn định ở mức 653 USD/tấn, duy trì ở mức tương đương trong ba tuần qua.
Một thương nhân ở ĐBSCL cho biết, nhu cầu hiện tại không mạnh do người mua đang chờ nguồn cung mới từ vụ thu hoạch đông xuân.
Thương nhân này cho biết thêm, “Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu năm nay có thể đạt 8 triệu tấn, tương đương với mức của năm 2023, do nhu cầu toàn cầu đối với gạo Việt Nam sẽ vẫn cao”.
Giá gạo ở Bangladesh trong tuần này đã tăng 5 Taka Bangladesh (0,0457 USD) mặc dù năng suất và dự trữ tốt.
Bộ trưởng lương thực của Sadhan Chandra Majumder, đã cảnh báo các nhà xay xát và thương nhân giảm giá, nếu không sẽ có hành động nghiêm khắc đối với việc tích trữ.
Giám đốc Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) Indonesia Bayu Krisnamurthi cho biết Chính phủ đã đồng ý giao Bulog nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024 nhằm đảm bảo ổn định nguồn gạo dự trữ quốc gia (CBP) và ứng phó với những tình huống thiếu hụt lương thực do điều kiện sản xuất trong nước chưa phục hồi.
Theo ông Bayu, “Tính đến thời điểm hiện tại, cân đối nguồn lương thực dự trữ quốc gia, Indonesia cần nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, theo số liệu thực tế, có thể điều chỉnh số lượng để phù hợp, đảm bảo nguồn lương thực quốc gia”.
Ông Bayu nói rằng, nhiệm vụ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2023 gặp khó khăn do vấn đề vận chuyển. Tình trạng phù sa ở kênh đào Suez và xung đột ở Trung Đông đã cản trở việc cung cấp thực phẩm nhập khẩu.
Hiện số gạo dự trữ (CBP) của chính phủ trong kho Bulog vẫn được duy trì an toàn. Bulog sẽ đảm bảo cung cấp 1,3 triệu tấn CBP cho hoạt động thị trường và phân phối viện trợ gạo bắt đầu từ tháng 1 năm 2024.
Theo ông Bayu, giá gạo vẫn sẽ tăng cao trong năm nay do sản xuất trong nước chưa hồi phục, chi phí sản xuất vẫn ở mức cao, đặc biệt là phân
bón, chính sách bảo vệ nguồn cung của các nước sản xuất lúa gạo. Do đó, chính sách nhập khẩu gạo cần tiếp tục được thực thi trong thời gian tới.
Trước đó, Tổng thống Jokowi xác nhận Indonesia sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ và 2 triệu tấn từ Thái Lan để đảm bảo an toàn cho kho dự trữ gạo quốc gia của Indonesia vào năm 2024.

Nguồn:VINANET/VITIC/Reuters