menu search
Đóng menu
Đóng

Giá gạo Việt Nam lên cao nhất 2,5 năm, gạo Thái Lan cao nhất gần 1 năm

14:58 02/06/2017

Vinanet - Nhu cầu mạnh từ các nước nhập khẩu chủ chốt đã đẩy giá gạo châu Á tiếp tục tăng trong tuần này, với gạo Việt Nam lên mức cao nhất gần 2 năm rưỡi, còn gạo thái Lan cao nhất gần 1 năm.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá hiện ở mức 390 USD/tấn, cao nhất kể từ thagns 12/2014, tăng so với 360 – 380 USD/tấn một tuần trước đây, trong bối cảnh các nhà cung cấp đều đang hướng tới những hợp đồng xuất khẩu.
Tuy nhiên, giao dịch ở Việt Nam chưa sôi động mặc dù giá tăng vì các thương gia và nông dân đều giữ hàng lại với hy vọng giá sẽ tăng thêm nữa.
“Mọi người đều dự báo giá sẽ lên tới 400 USD/tấn hoặc nhiều hơn nữa nên không muốn bán gạo ra lúc này. Các thương gia thì muốn chờ xem tình hình ra sao”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Giá gạo tại Bangladesh đã đạt mức cao kỷ lục trong khi kho dự trữ đang ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm do trận lũ hồi tháng Tư đã phá hủy 700.000 tấn lúa gạo nước này.
Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với Bangladesh Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa hai nước. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn mỗi năm cho tới 2022; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.
Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh mong muốn mua ngay của Việt Nam, Thái Lan và có thể cả Ấn Độ khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm. Phía Bangladesh chính thức mời đầu mối của phía Việt Nam sang nước này trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng... Đồng thời, phía nước bạn cũng cho biết mong muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.
Trong khi đó Philippines cho biết sẽ mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo Thái lan, Việt Nam và có thể cả Ấn Độ vào tháng tới.
Giá gạo tại Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng. Gạo 5% tấm của Thái Lan giá tăng lên 430 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 411 – 412 USD/tấn một tuần trước đây, mức cao nhất trong vòng gần 1 năm.
Giá gạo Thái Lan đã tăng mạnh kể từ tháng 4, khiến khoảng chênh lệch so với gạo Việt Nam ngày càng nới rộng. Dù giá cao như vậy nhưng thị trường Thái Lan cũng không bị mất khách hàng.
“Giá tăng và xu hướng này dự báo sẽ còn tiếp diễn bởi khách hàng có nhu cầu”, một thương gia ở Bangkok cho biết, và thêm rằng nhiều tàu đang trên đường đến Thái Lan để bốc hàng.
Theo các thương gia, giá gạo xuất khẩu tăng bắt đầu kéo giá gạo trong nước tăng đến mức quá đắt để họ thu mua để xuất khẩu.
“Các nhà xuất khẩu cần thận trọng vì giá trong nước đang tăng mạnh hơn so với giá xuất khẩu, khiến cho các nhà xuất khẩu có thể bị lỗ”, một thương gia khác ở Bangkok cho biết.
Các doanh nghiệp Thái dự báo giá xuất khẩu sẽ ổn định trong vài tuần tới.
Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm đồ giá tăng 15 USD/tấn lên 413 – 416 USD/tấn do nhu cầu cải thiện sau khi giá gạo của các nước khác cũng tăng lên.
“Khi giá gạo Thái Lan và Việt Nam tăng, gạo Ấn Độ trở nên hợp lý và do vậy mấy ngày qua lại thu hút được khách hàng”, một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh miền Nam Ấn Độ cho biết.
Trong mấy tháng qua, xuất khẩu gạo Ấn Độ chậm lại do đồng rupee mạnh và giá lúa trên thị trường nội địa tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của gạo xuất khẩu.
Rupee đã tăng giá gần 5% từ đầu năm tới nay và hiện ở mức cao nhất trong vòng 21 tháng. Rupee mạnh làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Nhưng khi giá gạo quốc tế cũng tăng thì “Ở mức giá hiện tại chúng tôi có thể ký được hợp đồng xuất khẩu. Khách hàng châu Phi lại bắt đầu mua gạo Ấn Độ”, một nhà xuất khẩu khác ở Kakinada cho biết.
Những thông tin liên quan
Hội nghị Gạo Thái Lan 2017 tại thủ đô Bangkok
Hội nghị Gạo Thái Lan 2017 diễn ra tại thủ đô Bangkok, từ ngày 28 -30/5. Đây là một sự kiện do Bộ Thương mại Thái Lan chủ trì tổ chức, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu đại diện cho hơn 40 nước và vùng lãnh thổ.
Chính phủ Thái Lan và khối doanh nghiệp nước này quyết tâm tăng thêm hàm lượng giá trị cho ngành sản xuất gạo vốn vẫn đang là một thế mạnh của kinh tế nước này.
Dự chủ trì phiên khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã có bài phát biểu với chủ đề: “Thương mại gạo Thái Lan và tương lai, ”phác thảo các chính sách lớn của Chính phủ Thái Lan đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp gạo nước này.
Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn cho biết, hội nghị được tổ chức lần đầu nhằm quảng bá tiềm năng của Thái Lan trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến lúa gạo. Theo bà Apiradi, nhờ lợi ích của cuộc cách mạng công nghệ, tất cả các bên trong ngành đã được hưởng lợi từ việc tăng thêm giá trị gạo, phù hợp chiến lược kinh tế “Thái Lan 4.0”.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã thảo luận các biện pháp tăng năng suất, chất lượng lúa gạo trên cơ sở phát triển bền vững, thân thiện với môi trường cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các nước chế biến, xuất khẩu gạo, góp phần giúp thị trường gạo quốc tế ổn định và tăng trưởng.
Philippines có kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) sẽ thông báo kế hoạch đấu thầu sau khi được lãnh đạo cơ quan này thông qua. Đợt nhập khẩu gạo đầu tiên dự kiến sẽ được tiến hành trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới. Đây là cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan.
Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, có kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong tháng 6 tới nhằm tăng cường lượng gạo dự trữ của nước này trước thời điểm trái vụ và phòng trường hợp thóc bị hư hại do mưa bão.
Hội đồng NFA sẽ hoàn tất điều khoản nhập khẩu đối với 805.000 tấn gạo được các công ty nội địa nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung thậm chí trong mùa mưa bão.
Chính phủ Philippines đã thay đổi cơ chế mua gạo dưới hình thức cam kết giữa Chính phủ nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch sau khi các cán bộ của NFA bị kết tội nhận hối lộ.
Mùa mưa bão hàng năm của Philippines diễn ra trong tháng 10-12, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng thu hoạch.
Hiện mức dự trữ gạo của Philippines chỉ đủ đáp ứng quy định dự trữ đủ dùng trong 8 ngày trong khi theo quy định, NFA phải duy trì lượng gạo dự trữ đủ dùng trong 15 ngày tại bất kỳ thời điểm nào trong năm và tối thiểu 30 ngày trong khoảng thời gian trái vụ diễn ra từ tháng 7-9 hàng năm.
Giá gạo tại Bangladesh tăng mạnh do thiếu cung
Tờ báo lớn thứ nhì của Bangladesh là Prothom Alo vừa có bài bình luận rằng người dân nước này đang phải mua gạo chất lượng thấp nhất với giá cao nhất thế giới. Theo chính phủ Bangladesh, một kg gạo thô đang được bán ở mức giá 48 Tk, tương đương khoảng 13.500 đồng Việt Nam, mức giá cao kỷ lục ở nước này. Trong khi đó ở nước láng giềng Pakistan, 1 kg gạo loại tương đương hiện có giá 38 Tk/kg. Theo báo cáo hàng ngày của Bộ Lương thực Bangladesh, Việt Nam hiện đang bán gạo với mức giá thấp nhất trên thế giới, với giá 33,62 Tk/kg (khoảng 9.500 đồng Việt Nam). Ở nước láng giềng Ấn Độ, giá một kilôgam gạo là 34 Tk, ở Thái Lan 37,81Tk và ở Pakistan 38,54Tk.
Giá gạo tại Bangladesh đã liên tục tăng trong một năm qua. Riêng trong tháng 4 vừa qua, giá đã tăng 11%, còn trong 12 tháng qua thì giá đã tăng gấp đôi.
Sau khi trận lũ lịch sử phá hủy vụ mùa lúa trong nước, Bangladesh chuẩn bị đẩy mạnh nhập khẩu gạo nhằm bình ổn giá gạo trong nước và tăng trữ lượng gạo trong kho dự trữ. "Chúng tôi đang nỗ lực đẩy trữ lượng gạo trong kho dự trữ lên cao đồng thời hạ giá gạo xuống", một lãnh đạo nước này cho biết.
Trong giai đoạn 2011- 2012, Bangladesh nhập khẩu khoảng 300.000 tấn gạo từ Việt Nam. Thế nhưng sau đó quốc gia này ngừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam do sản lượng gạo nước này đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước.
Sản lượng lúa gạo của Bangladesh mỗi năm đạt khoảng 34 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 160 triệu dân. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây quốc gia này vẫn thường xuyên phải tăng nhập khẩu gạo để đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung do hạn hán, lũ lụt.
Mặc dù tăng nhập khẩu song Bangladesh vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu nhằm bảo vệ nông dân trong nước.
Việc nhu cầu gạo ở quốc gia sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới tăng vọt có thể đẩy giá mặt hàng này tại các thị trường lớn như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.
Trung Quốc bán 84.203 tấn gạo tại phiên đấu giá
Trung tâm Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc ngày 31/5 đã chào bán 3.036.270 tấn gạo, và đã bán được 84.203 tấn với giá trung bình 2.889 nhân dân tệ (423,51 USD)/tấn, chiếm 2,7% tổng khối lượng gạo chào bán.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu sang Trung Quốc
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 năm 2017 ước đạt 538.000 tấn với giá trị đạt 245 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,3 triệu tấn và 1 tỉ USD, tăng 1,6% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng năm 2017 đạt 445 USD/tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam chiếm 47,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 815.000 tấn và 376 triệu USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 với hơn 11% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng 24% về khối lượng và tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Pháp luật TPHCM
Thái Lan muốn giải phóng hết lượng gạo dự trữ vào tháng 9/2017
Truyền thông Thái Lan cho biết chính phủ nước này hy vọng sẽ có thể giải phóng hoàn toàn 4,32 triệu tấn gạo dự trữ trong kho quốc gia vào tháng 9/2017.
Trong số này, 2,5 triệu tấn gạo chất lượng thấp chỉ phù hợp để sử dụng trong công nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến giá gạo mới thu hoạch.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan ngày 15/5 đã thông báo về đợt đấu thầu gạo lần thứ hai trong năm 2017 với tổng khối lượng 1,82 triệu tấn. 58/59 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia phiên đấu thầu đã đưa ra mức giá đề xuất.
Loại gạo đấu thầu trong phiên này bao gồm gạo loại C chỉ phù hợp sử dụng trong công nghiệp, loại P đã được cấp chứng nhận của Bộ Thương mại, loại A và B trong điều kiện không tốt và cần phân loại để xử lý và cải thiện chất lượng. Loại A, B và P đều thỏa mãn điều kiện để con người sử dụng.
Nếu chính phủ bán toàn bộ 1,82 triệu tấn, lượng gạo dự trữ trong kho quốc gia sẽ giảm đáng kể còn 2,5 triệu tấn. Trong đó, 2 triệu tấn để sử dụng làm thức ăn gia súc và 500.000 tấn làm nguyên liệu sản xuất năng lượng.
Bộ Thương mại Thái Lan dự định tổ chức phiên đấu thầu 2 triệu tấn trong tháng 6/2017 và 500.000 tấn trong tháng 7/2017.

Nguồn: VITIC/Reuters, TTXVN

Nguồn:Vinanet