menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lúa gạo ngày 15/6/2020 giảm nhẹ

15:09 15/06/2020

Vinanet - Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu IR 504, OM 5451 hôm nay giảm nhẹ so với cuối tuần trước.
Giá lúa gạo ngày 15/6/2020
ĐVT: đồng/kg

Chủng loại

Ngày 15/6/2020

Thay đổi so với ngày 13/6/2020

NL IR 504

7.900 - 8.050

-100

TP IR 504

9.500

-150

Tấm 1 IR 504

7.600-7.700

0

Cám vàng

5.100

0

Vụ thu hoạch lúa hè thu năm 2020 ở ĐBSCL trúng mùa, bán được giá cao, các doanh nghiệp đang thu mua lúa OM 5451 với giá khoảng 5.500 đồng/kg, IR 5040 từ 5.300 - 5.400 đồng/kg, OM 4900 khoảng 5.500 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 5.600 - 5.700 đồng/kg, với giá này, cộng với năng suất lúa cao đã mang lại lợi nhuận khá cho nông dân.

Vụ hè thu này, nông dân tỉnh Hậu Giang gieo sạ được gần 72.000ha lúa, với một số loại giống chủ lực như OM 5451, OM 18, OM 4900, RVT... Hiện bà con nông dân ở những nơi gieo sạ sớm đã thu hoạch được hơn 100ha, năng suất lúa bình quân 6,17 tấn/ha. Nhờ lúa phát triển tốt, có nhiều diện tích đang ở giai đoạn trổ chín và thu hoạch được nông dân đánh giá là khá trúng mùa. Tại Đồng Tháp, vụ hè thu đã thu hoạch trên 43.400/187.581ha, đạt sản lượng 262.000 tấn, năng suất bình quân 6,03 tấn/ha.
Theo ước tính ban đầu từ các tỉnh vùng ĐBSCL, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước thì lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu đạt khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn (gạo chất lượng cao hơn 1 triệu tấn, gạo thơm 580.000 tấn, gạo chất lượng trung bình 400.000 tấn, nếp và gạo hạt tròn 224.000 tấn).
Về tình hình xuất khẩu gạo, trong 5 tháng đầu năm 2020, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt gần 2,9 triệu tấn, tương đương 1,41 tỷ USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tính trong 4 tháng đầu năm 2020, Philippines đứng đầu về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,5% thị phần. Các thị trường tăng mạnh là Trung Quốc và Indonesia (gấp 2,7 lần) và Gana (tăng 39%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 44,5%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2020 đạt 470,2 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 42,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 35,2%; gạo nếp chiếm 16,5%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 5,4%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines, Malaysia và Ghana; với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines, Ghana và Gabon, với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Philippines và Malaysia…
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thâm nhập vào thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực. Dù hạn ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường này chỉ khoảng 80.000 tấn nhưng đây được xem là phân khúc gạo chất lượng cao. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị vùng nguyên liệu trong vài năm qua để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường này gắn với các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Đây là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa các phân khúc xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao vào các thị trường khó tính, những năm gần đây, tỷ lệ gạo thơm, đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam chiếm trên 80% số lượng xuất khẩu.

Nguồn:VITIC