menu search
Đóng menu
Đóng

Giá mía thấp, chi phí thuê nhân công tăng, nhà máy đường chậm thu mua

07:36 29/10/2019

Vinanet - Đó là những gì mà người nông dân trồng mía đang gặp phải khi cây mía đã vào mùa thu hoạch.
Theo nguồn tin VOV/ĐBSCL, gần cuối tháng 10 nhưng không khí thu hoạch mía tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang khá trầm lắng. Đến nay mới có hơn 100 ha mía được thu mua.
Một nông dân với hơn 30 năm gắn bó với cây mía ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, chưa năm nào lại lo lắng như năm nay bởi hiện tại gia đình có gần 100 tấn mía giống ROC16 vẫn chưa thể bán được do phải đợi nhà máy đường phát lệnh thu hoạch, trong khi mía đã gần 11 tháng tuổi bị ngập xem xét mặt liếp gần nửa tháng nay và đang có dấu hiệu xuống lá. Chuyện thu lỗ là chắc chắn, nhưng gia đình chỉ mong sớm bán được mía để gỡ lại tiền phân bón. Mấy năm trước lượng mía bán nhanh lắm, chỉ năm nay là chậm. Mọi năm đến giữa tháng 8 là bán hết rồi.
Xã Hòa Mỹ là địa phương có diện tích mía ít nhất của huyện Phụng Hiệp với hơn 160ha. Nếu mọi năm đến giữa tháng 9 âm lịch, nông dân trong xã đã thu hoạch dứt điểm toàn bộ diện tích mía, thì năm nay đến thời điểm này địa phương chỉ mới thu hoạch được 2/3 diện tích. Giá thu mua thấp, thiếu nhân công thu hoạch đã gây nhiều khó khăn cho người trồng mía Phụng Hiệp trong vụ mía này.
Giá mía đứng hiện ở mức 210.000 đồng/tấn, còn mía bị đổ, giá chỉ từ 220.000 – 230.000 đồng/tấn.
Theo thống kê, năm nay toàn huyện có hơn 6.400 ha mía nhưng đến nay chỉ mới thu hoạch được hơn 1.400ha, trong đó bán mía chục khoảng 1.300 ha, còn nhà máy chỉ mới thu mua được hơn 150ha. So với năm ngoái, tiến độ thu mua chậm hơn khoảng 2.000 ha. Đáng lo ngại là trong 5.000ha mía chưa thu hoạch, thì có hơn 2.000 ha mía giống ROC16 đã quá lứa bị ngập nước.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp ông Trần Văn Tuấn cho biết, 2.000 ha mía hiện nay đang chờ thu hoạch, trong vòng nửa tháng nữa nếu nhà máy không thu mua kịp thì mía sẽ chết, bởi mới đây có một con nước lớn ngập. Hàng năm, theo chu kỳ của cây mía, khi nước lên ngập mía khoảng 2 - 3 tấc, khi nước rút rồi mía sẽ chuyển dần sang héo lá rồi chết đi. Đến thời điểm hiện nay, mía đã đổi màu rồi nhưng số lượng mua đem về nhà máy thì rất ít. Người dân đang trông chờ ở số lượng thu mua của nhà máy đường Phụng Hiệp.
Dẫn nguồn tin từ Báo Nông nghiệp, theo Công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco), vào vụ 2019 - 2020 nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) sẽ thu mua mía giá 700 đồng/kg (10 chữ đường - CCS) tại cầu cảng.
Mức giá trên không bao gồm chi phí vận chuyển. Mía trên 10 CCS tăng thêm 7 đồng/kg cho mỗi 0,1 CCS, mía dưới 10 CCS sẽ giảm 7 đồng/kg cho mỗi 0,1 CCS. Chi phí vận chuyển từ ruộng mía về nhà máy do công ty chi trả. Công ty sẽ không hỗ trợ tạp chất cho bên bán mía, người bán sẽ chịu trừ tạp chất theo thực tế vào trọng lượng thanh toán.
Thông tin này khiến nhiều nông dân thở dài chán nản, muốn bỏ mía vì chỉ có nông dân trồng mía giỏi, năng suất cao mới đạt mức giá thành 700 đồng/kg, trong khi đa số nông dân lỗ nặng, dù chưa tính chi phí nhân công.
Qua khảo sát các địa phương có vùng trồng mía tại Hậu Giang hiện còn khoảng 6.000 - 8.000 ha và Casuco chỉ chuẩn bị cho một nhà máy đường Phụng Hiệp vào vụ thu mua mía (nhà máy đường Vị Thanh đã tạm ngưng hoạt động). Trong mấy năm qua, mía đường ở ĐBSCL gặp khó khăn trong cạnh tranh với đường ngoại nhập lậu khiến các nhà máy lần hồi đóng cửa...
Không chỉ giá mía ở mức thấp mà người nông dân đang phải đối mặt với giá thuê nhân công ở mức cao.
Cũng theo nguồn tin trên, hiện giá thuê nhân công đốn và vận chuyển mía từ rẫy ra bãi cân từ 180.000 – 220.000 đồng/tấn, tùy theo đường vận chuyển mía xa hay gần, tăng khoảng 20.000 – 40.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu vụ năm ngoái.
Theo nhiều nông dân, giá nhân công thu hoạch mía thời điểm này cao hơn mọi năm là do lực lượng lao động nông thôn hiện nay khan hiếm, phần lớn đã đi làm ở các công ty, xí nghiệp.
Nếu trước đây, huyện Phụng Hiệp xây dựng, củng cố được gần 170 tổ đốn mía thì nay đã giảm chỉ còn khoảng 150 tổ. Bên cạnh đó, số thành viên ở mỗi tổ trước đây có từ 25 - 30 người thì hiện tại đã giảm chỉ còn khoảng 8 đến 10 người. Vì vậy trong thời gian tới, khi mía bước vào thu hoạch rộ, nông dân sẽ gặp áp lực trong việc tìm nhân công đốn mía và giá thuê đốn, vận chuyển mía có thể tiếp tục tăng lên
Dẫn thông tin từ Báo Thanh Niên, 98.700 tấn đường theo mã số HS 1701 sẽ được Bộ Công thương tổ chức thí điểm đấu giá nhập khẩu theo ngạch thuế quan vào đầu tháng 11 năm nay.
Đó là nội dung vừa được Bộ Công thương đưa ra trong Thông tư 16/2019/TT-BCT do chính Bộ này ban hành hướng dẫn về đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 2.11 - 31.12.2019.
Theo Bộ Công thương, đối tượng áp dụng là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2019.
Nguyên tắc đấu giá sẽ theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp tính chất tài sản bán đấu giá. Theo đó, Bộ Công thương thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019 để điều hành việc đấu giá. Chủ tịch Hội đồng đấu giá ban hành quy chế đấu giá thí điểm này. Sau khi có kết quả đấu giá, Bộ Công thương sẽ có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá. Thương nhân sẽ sử dụng thông báo này để làm thủ tục hải quan khi nhập đường theo quy định của luật Hải quan.
Trước đó, năm 2018, tổng số lượng đường đấu giá tại phiên đấu giá sáng 26.9.2018 là 94.000 tấn đường. Trong đó có 65.000 tấn đường thô và 29.000 tấn đường tinh luyện. Năm 2017, Bộ Công thương cho tổ chức đấu giá đường nhập khẩu theo hạn ngạch là 89.500 tấn. Như vậy, qua mỗi năm, lượng đường nhập theo hạn ngạch đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Nguồn: VITIC tổng hợp