menu search
Đóng menu
Đóng

Giá ngũ cốc ngày 31/8 đồng loạt giảm do lo ngại suy thoái kinh tế

14:28 31/08/2022

Giá ngũ cốc ngày 31/8/2022 giảm theo xu hướng chung của thị trường hàng hóa và chứng khoán khi các nhà giao dịch lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.
 
Việc bán chốt lời về cuối tháng cũng ảnh hưởng đến giá ngô kỳ hạn tương lai, một ngày sau khi hợp đồng tham chiếu – kỳ hạn tháng 12-0 đạt mức cao nhất trong hai tháng, liên quan đến việc giảm triển vọng sản xuất cây trồng của Mỹ.
Kết thúc phiên, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 7-3/4 US cent xuống 6,75-1/4 USD/bushel, một ngày sau khi đạt 6,83-3/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 23/6.
Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 22-1/2 cent ở mức 8,20-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11 giảm 3 US cent, xuống 14,34-3/4 USD/bushel.
Trong báo cáo công bố tháng 8/2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tăng dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2021/2022 so với dự báo trong tháng 7/2022 do sản lượng tăng ở Liên minh Châu Âu (EU), Malawi và Bolivia. Xuất khẩu toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng với mức tăng của Ukraine, Serbia và EU. Nhập khẩu toàn cầu được dự báo giảm với việc cắt giảm đối với Algeria, Maroc, Hàn Quốc và Việt Nam, ngược lại nhập khẩu tăng ở Canada.
Sản lượng ngô của Mỹ ước tính đạt 364,73 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng khô hạn kéo dài trong giai đoạn thụ phấn cao điểm của cây ngô ảnh hưởng tới năng suất.
Tuy nhiên, một nhà cung cấp ngô hàng đầu khác là Brazil đang kỳ vọng sản lượng cao hơn trong niên vụ 2022/23 ở mức 126 triệu tấn so với 116 triệu tấn của năm ngoái.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với các loại ngũ cốc thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả ngô, đang chịu áp lực do tỷ suất lợi nhuận chăn nuôi kém đã hạn chế nhu cầu.
USDA dự báo nhập khẩu ngô của EU trong vụ 2022/23 dự báo sẽ tăng vì hạn hán và sóng nhiệt đã ảnh hưởng đến triển vọng thu hoạch trong khối.
Nhu cầu ngô của Đài Loan (Trung Quốc) từ Nam Phi cao kỷ lục trong năm 2021/22. Từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022, Đài Loan (Trung Quốc) đã nhập khẩu hơn 650.000 tấn ngô Nam Phi, cao hơn gấp đôi tổng số của năm trước.
Sản lượng ngô của Đài Loan bị hạn chế và phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho ngành chăn nuôi lợn và gia cầm. Nhu cầu này ổn định trong những năm gần đây - Đài Loan đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn trong năm 2019/2020 và 4,3 triệu tấn vào năm 2020/21. Giá hàng hóa nông sản và hàng hóa cao không cản trở tốc độ nhập khẩu ngô của Đài Loan do nhu cầu tiếp tục cao đối với các sản phẩm chăn nuôi tại địa phương, nhập khẩu ngô được dự báo ở mức 4,4 triệu tấn trong năm 2021/22.
Các nhà cung cấp chính cho nhập khẩu ngô của Đài Loan là Achentina, Brazil và Mỹ. Tuy nhiên, vào năm 2020/21, điều kiện hạn hán nghiêm trọng ở Brazil đã dẫn đến sản lượng ngô thấp và do đó xuất khẩu giảm. Xuất khẩu ngô của Brazil trong năm 2020/21 tới các điểm đến ở châu Á đã giảm đáng kể do giá tăng và chi phí vận chuyển cao hơn. Xuất khẩu ngô của Brazil sang Đài Loan giảm xuống còn 1,7 triệu tấn trong năm 2020/21, so với 2,8 triệu tấn trong năm 2019/20.
Năm 2020/21, Đài Loan nhập khẩu 1,3 triệu tấn ngô Mỹ, chiếm gần một phần ba tổng lượng ngô nhập khẩu. Năm 2021/22, Đài Loan nhập khẩu 412.000 tấn ngô Mỹ, chiếm khoảng 9% khối lượng ngô nhập khẩu.
Tại Nam Phi, giá ngô cao kỷ lục và lượng dự trữ cao từ 3 vụ bội thu liên tiếp thuận lợi cho xuất khẩu. Ngoài nguồn cung dồi dào, giá ngô Nam Phi còn cạnh tranh với các nhà xuất khẩu lớn khác sang Đài Loan hiện ở mức 350 USD/tấn. Các yếu tố giá này có thể dẫn đến việc nhập khẩu của Đài Loan tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong năm 2021/22.
 

Nguồn:VINANET/VITIC/Reuters