Hiện nay là thời điểm vào chính vụ thu hoạch tiêu tại Tây Nguyên, do đó khắp các thôn, buôn trên địa bàn tại Đắk Lắk đâu đâu cũng thấy không khí tất bật, nhộn nhịp của bà con nông dân. Đặc biệt, năm nay giá tiêu tại Đắk Lắk trên 95.000 đồng/kg nên những gia đình có vườn càng phấn khởi.
Tất bật thu hoạch tiêu
Ngay từ sáng sớm, ông Nguyên Văn Thành (thôn 6, xã Ea Bhốk) đã lái chiếc xe công nông, chở theo 8 nhân công vào vườn tiêu để thu hoạch. Cảnh tượng dễ bắt gặp thời điểm này là trên đường cũng có rất nhiều người và xe công nông, xe ba gác, xe máy nối đuôi nhau di chuyển, tập kết các vật dụng về những vườn tiêu đã chín rộ chờ thu hoạch.
Theo ông Thành, năm nay giá tiêu tăng cao hơn mọi năm nhưng do không được chăm sóc nên sản lượng có sụt giảm. “Gia đình có diện tích hơn 1,2ha tiêu, năm nay sản lượng không cao. Hiện chúng tôi mong muốn giữa tháng ba này sẽ thu hoạch xong, tránh tình trạng thời tiết xấu gây ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu”, ông Thành nói.
Tương tự, gia đình ông Vũ Đình Tú (thôn 8, xã Ea Ning) cũng gắng bó nhiều năm với cây hồ tiêu. Gia đình người này hiện có 1ha, nhờ chăm sóc tốt nên năm nay dự kiến thu hoạch được 3 tấn tiêu, sau khi trừ chi phí sẽ lãi hơn 200 triệu đồng.
“Năm nay giá hồ tiêu tăng ngay từ đầu vụ, khiến gia đình yên tâm hơn hẳn khi đầu tư và phát triển bền vững loại cây trồng này. Mặc dù chi phí thuê nhân công và đầu tư tăng cao nhưng với giá bán trên dưới 95.000 đồng/kg, người trồng tiêu đã có lãi để tái đầu tư cho vụ mùa năm sau”, ông Tú chia sẻ.
Tương tự, bà Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, gia đình bắt đầu trồng tiêu hơn 15 năm trước.
Trước đây để tiêu đạt được sản lượng, gia đình đã sử dụng nhiều phân, thuốc BVTV. Việc này đã đẩy chi phí đầu tư của gia đình tăng cao. Đặc biệt, sau thời gian lạm dụng phân, thuốc BVTV hóa học khiến vườn tiêu bị nhiễm bệnh, đất đai thoái hóa. Ngoài ra, những năm qua giá tiêu xuống thấp nên gia đình ít quan tâm nên vườn tiêu chết dần và giảm năng suất.
“Năm nay giá tiêu trên 95.000 đồng/kg nhưng gia đình chỉ thu được hơn 1 tấn tiêu khô. Để phục hồi vườn tiêu, hiện nay gia đình cũng bắt đầu chuyển sang quy trình canh tác bền vững”, bà Vân nói.
Giá tiêu liên tục tăng khiến cho người trồng tiêu phấn khởi. Ảnh: Quang Yên.
Còn ông Trần Thanh Hiền (ngụ xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) thông tin, gia đình trồng được 2ha hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh.
Theo ông Hiền, những năm trước đây thôi, vào vụ thu hoạch, giá tiêu ở mức thấp kỷ lục nên không khí hiu quạnh, vườn gia đình nào thì gia đình đó tự thu hoạch, vì thuê nhân công không đủ tiền trả. Còn năm nay, mới đầu vụ thu hoạch giá tiêu đã liên tục tăng cao và đến thời điểm này đạt mức 95.000 đồng/kg. Với giá này người trồng tiêu đã có lãi.
“Đáng mừng hơn nữa, theo dự báo, trong thời gian tới giá tiêu sẽ còn tiếp tục tăng, có khả năng đạt mức 100.000 đồng/kg. Vì vậy, những ngày qua, gia đình tôi thuê năm đến bảy người thu hái liên tục. Dự kiến năm nay thu được khoảng hơn 5 tấn tiêu khô, sau khi thu hoạch xong tôi bán một ít để chi trả tiền nhân công và đầu tư mua xăng dầu tưới nước, mua phân bón cho vụ tới, số còn lại chờ giá lên cao hơn nữa mới bán”, ông Hiền nói.
Giá tăng nhưng sản lượng giảm
Huyện Cư Kuin là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk, với diện tích gần 4.667ha, trong đó diện tích hồ tiêu kinh doanh là 4.125ha. Bên cạnh cây cà phê, hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Vụ tiêu năm 2024, năng suất bình quân toàn huyện dự kiến đạt khoảng 3,2 tấn/ha, ước sản lượng khoảng 13.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, thời gian cao điểm thu hoạch hồ tiêu diễn ra vào khoảng tháng hai, tháng ba hằng năm. Trong quá trình thu hoạch, người dân luôn ưu tiên thu hái những chùm quả chín nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của vườn cây.
Mặc dù giá tăng nhưng sản lượng tiêu tại Đắk Lắk giảm so với mọi năm. Ảnh: Quang Yên.
Sau thu hoạch, bà con nông dân chủ yếu sử dụng hình thức phơi sấy tự nhiên là chính, ít có hộ sử dụng lò sấy. Quá trình tiêu thụ, các hộ dân chủ yếu bán cho người thu gom hoặc các cơ sở thu mua trên địa bàn huyện, với sản phẩm chính vẫn là hạt tiêu đen. Hiện nay toàn huyện có khoảng 50 hộ thu gom và gần 20 cơ sở thu mua hồ tiêu tập trung ở các khu vực có diện tích hồ tiêu tương đối lớn của huyện.
Còn ông Nguyễn Công Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, diện tích và sản lượng tiêu của địa phương đứng tóp đầu của tỉnh. Tuy nhiên, năm nay giá tăng liên tục và cao hơn nhiều so với mọi năm nhưng sản lượng lại giảm.
Theo ông Văn, sản lượng giảm là do nhưng năm nay giá tiêu rớt cộng với vườn tiêu già cõi không tái canh nên diện tích giảm từ đó kéo theo năng suất giảm.
“Cây tiêu nếu không chăm sóc thì sẽ suy kiệt ngay. Huyện xác định nông nghiệp, trong đó tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Do đó địa phương vẫn khuyến khích người dân tận dụng tất cả những khu vực đất trống để trồng tiêu. Cây tiêu phát triển tốt ở địa phương, diện tích không cần nhiều nhưng hiệu quả cao. Với giá như hiện nay thì người dân có thể có lời”, ông Văn chia sẻ.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, diện tích tiêu năm 2023 của địa phương là 28.583ha. Trong đó, diện tích trồng mới 1.16ha, diện tích cho sản phẩm 25.280ha, năng suất 29,522 tạ/ha, sản lượng 74.629 tấn.
Hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực tại Đắk Lắk, do đó ngành nông nghiệp khuyến kích người dân chăm sóc vườn để nâng cao năng suất. Ảnh: Quang Yên.
Theo ông Hiển năm nay giá tiêu cao hơn mọi năm với trên 90.000 đồng/kg. Với giá tiều này thì không cao so với đỉnh điểm nhưng thế này là tốt giúp cho người dân có thu nhập.
“Người người dân khi trồng thì đều có đầu tư và chăm sóc. Tuy nhiên tùy theo điều kiện của từng nhà thì mức đầu tư chăm sóc khác nhau. Có một số hộ đầu tư còn ít cây sinh trưởng phát triển kém nên sản lượng có giảm. Năm nay giá tăng cao nên người dân vui mừng vì có thu nhập.
Với giá này thì vụ tới người dân sẽ đầu tư nhằm đưa vườn tiêu có năng suất trở lại. Ngành nông nghiệp Đắk Lắk xác định cây tiêu vẫn là cây trồng chính. Trong thời gian tới người dân cần chủ động đầu tư, chăm sóc và nắm bắt thêm thị trường để chủ động đầu ra. Từ đó giúp cho ngành hàng này phát triển trở lại”, ông Hiển thông tin.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk giá cả hồ tiêu đang dần phục hồi. Tại địa phương đã hình thành nhiều khu vực sản xuất tiêu tập trung, đủ điều kiện xuất khẩu trên thị trường thế giới. Đặc biệt, Đắk Lắk đang tham gia Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” nông dân sẽ được nâng cao kiến thức canh tác và có sự liên kết hợp tác của doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu. Từ đó sẽ tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu và gia tăng giá trị cho hạt tiêu Đắk Lắk, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn:Minh Quý/Báo Nông nghiệp Việt Nam