menu search
Đóng menu
Đóng

ICO: Giá cà phê thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012

11:39 11/10/2021

Lo ngại nguồn cung sụt giảm tại Brazil và dịch COVID-19 gây gián đoạn thương mại tại khu vực châu Á đã đẩy giá cà phê thế giới tăng lên mức 170 US cent/lb, cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới tiếp tục tăng trong trong tháng 9 do lo ngại thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến nguồn cung cà phê tại Brazil và những hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 gây gián đoạn thương mại tại khu vực châu Á.
Trong tháng 9, chỉ số giá cà phê thế giới được theo dõi bởi ICO đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2012 với 170 US cent/lb, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng tới 60,6% so với tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại (tháng 10 năm 2020).
Nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê trong tháng 9 đều tăng so với tháng trước và đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Trong đó, giá của nhóm cà phê robusta đạt 104,6 US cent/lb, tăng 9,9% so với tháng 8 và lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 US cent/lb kể từ tháng 8/2017. Với mức tăng này, giá cà phê robusta hiện đã cao hơn 53% so với đầu niên vụ hiện tại.
Tiếp theo là giá cà phê arabica Colombia với mức tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 55,8% so với đầu niên vụ hiện tại, đạt 240,4 US cent/lb và là mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Trong tháng 9, giá của nhóm cà phê arabica khác và cà phê tự nhiên Brazil cũng tăng 4,3% và 5% so với tháng trước, đạt lần lượt là 225,5 US cent/lb và 183,7 US cent/lb.
Do đà tăng giá nhóm cà phê robusta cao hơn mức tăng của cà phê arabica nên chênh lệch giá giữa hai loại cà phê này đã thu hẹp.
Điều này được phản ánh trên thị trường giao kỳ hạn khi chênh lệch giữa cà phê arabica và cà phê robusta trên sàn New York và London giảm 0,8% trong tháng 9, xuống còn 96,4 US cent/lb so với 97,2 US cent/lb trong tháng 8.
Mặc dù vậy, ICO cũng cho rằng biên độ tăng giá đã phần nào cho thấy sự chậm lại trong tháng 9. Sự biến động của chỉ số giá cà phê tổng hợp theo ngày của ICO đã giảm 8,6 điểm phần trăm xuống 8,2% trong tháng 9/2021.
Chỉ số giá của các nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO

ICO: Giá cà phê thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012 - Ảnh 1.

Nguồn: ICO
Dư cung thu hẹp xuống còn 2,34 triệu bao
Trong báo cáo tháng này, ICO giữ nguyên ước tính tổng sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 ở mức 169,6 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng 0,4% so với 169 triệu bao niên vụ cà phê trước.
Trong đó, sản lượng cà phê arabica tăng 2,3% lên 99,3 triệu bao; ngược lại sản lượng cà phê robusta giảm 2,1% xuống 70,4 triệu bao.
Xét theo khu vực sản xuất, sản lượng cà phê tại châu Phi ước tính không đổi so với niên vụ trước với 18,7 triệu bao. Sản lượng cà phê ở khu vực châu Á và châu Đại Dương ước tính giảm 1,1% xuống mức 48,9 triệu bao; Sản lượng ở Trung Mỹ và Mexico dự kiến sẽ giảm 2,1% xuống còn 19,2 triệu bao.
Trong khi đó, sản lượng ở khu vực Nam Mỹ dự kiến tăng 1,9% lên mức 82,8 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021.
Thu hoạch cà phê trong niên vụ 2020-2021 đã hoàn thành ở tất cả các nước sản xuất và trọng tâm của thị trường đang chuyển sang niên vụ 2021-2022 cũng như niên vụ 2022-2023.
Sự không chắc chắn về nguồn cung cà phê toàn cầu được tạo ra bởi những cú sốc liên quan đến thời tiết và gián đoạn trong dòng chảy thương mại trước các biện pháp kiểm soát chặt chẽ liên quan đến đại dịch COVID-19 đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính thường xuyên của các nguồn cung cấp cà phê.
Hơn nữa, chi phí sản xuất cũng đang tăng lên, bao gồm cả phân bón và chi phí lao động dự kiến sẽ làm giảm lợi nhuận của người trồng cà phê và các khoản đầu tư cho sản xuất.

ICO: Giá cà phê thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012 - Ảnh 2.

Nguồn: ICO
Về tiêu thụ cà phê niên vụ 2020-2021, ICO ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu đạt 167,26 triệu bao, tăng 1,9% so với con số 164,13 triệu bao của niên vụ cà phê 2019-2020. Với triển vọng nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 và triển vọng phục hồi kinh tế thế giới, tiêu thụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Như vậy, dư thừa cà phê toàn cầu dự kiến giảm từ 4,87 triệu bao của niên vụ 2019-2020 xuống còn 2,34 triệu bao trong niên vụ 2020-2021. Điều này cho thấy cung – cầu cà phê thế giới ngày càng thắt chặt và xu hướng tăng giá cà phê hiện tại khả năng sẽ tiếp tục diễn ra.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8 tương đương cùng kỳ năm ngoái
Theo ICO, tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8 đạt tương đương cùng kỳ năm ngoái với 10,1 triệu bao (loại 60 kg).
Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica giảm 2,2% xuống còn 6,3 triệu bao, nhưng bù lại xuất khẩu cà phê robusta tăng 3,6% lên 3,8 triệu bao.
Sự sụt giảm trong xuất khẩu cà phê arabica chủ yếu là do xuất khẩu nhóm cà phê tự nhiên Brazil giảm mạnh 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 2,8 triệu bao trong tháng 8 năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm cà phê arabica khác và arabica Colombia tăng lần lượt là 27,5% và 1,8%.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2020-2021 (tháng 10/2020 – tháng 8/2021)

ICO: Giá cà phê thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012 - Ảnh 3.

Nguồn: ICO
Tính chung trong 11 tháng đầu niên vụ 2020-2021 (tháng 10/2020 đến tháng 8/2021), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt gần 119 triệu bao, tăng 1,9% so với cùng kỳ niên vụ 2019-2020.
Lượng cà phê xanh chiếm 91% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2020-2021 với 107,9 triệu bao, tăng 2,5% so với so với cùng kỳ niên vụ trước.
Xét về khu vực xuất khẩu chính, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ trong 11 tháng đầu niên vụ 2020-2021 đạt 54,7 triệu bao, tăng 5,5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tại khu vực này, xuất khẩu của Brazil tăng 8,5% lên gần 40 triệu bao; Colombia ổn định ở mức 11,8 triệu bao; Peru giảm 9% xuống 2,7 triệu bao.
Trái lại, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 4,2% xuống còn 35,5 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam giảm từ 24,9 triệu bao xuống còn 22,8 triệu bao; xuất khẩu của Ấn Độ tăng 8,1% lên 5,3 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê tại Trung Mỹ và Mexico trong 11 tháng đầu niên vụ 2020-2021 tăng 4,1% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 15,9 triệu bao. Trong đó, Honduras đang dần phục hồi sau hai thảm họa thiên nhiên do bão Iota và Eta gây ra khi tổng xuất khẩu của nước này tăng 5% lên 5,6 triệu bao.
Nicaragua, quốc gia hứng chịu những thảm họa khí hậu tương tự như Honduras ghi nhận xuất khẩu giảm 5,9% xuống còn 2,5 triệu bao. Trong khi đó, xuất khẩu tăng lần lượt là 12,2%, 4,5% và 2,5% tại Guatemala, Mexico và Costa Rica. Đồng thời, mức tăng 3,3% cũng được ghi nhận ở El Salvador.
Tại châu Phi, xuất khẩu của khu vực này cũng tăng 2% lên 12,8 triệu bao trong 11 tháng đầu niên vụ 2020-2021. Tại khu vực này, xuất khẩu tăng 22% ở Uganda, tăng 22,2% tại Tanzania và Kenya tăng 10,7%; nhưng giảm lần lượt 13,5% và 47,2% ở Ethiopia và Bờ Biển Ngà.

Nguồn:Hoàng Hiệp/Doanh Nghiệp Niêm Yết

Link gốc