Giới chức Indonesia lo ngại tình trạng khan hiếm và chi phí gia tăng có thể gây bất ổn xã hội và quyết định đảm bảo nguồn cung dầu cọ, nguyên liệu vốn được dùng để sản xuất nhiều mặt hàng như sô cô la và mỹ phẩm.
Trong quyết định cuối cùng đưa ra tối 27/4, Chính phủ Indonesia khẳng định lệnh cấm xuất khẩu sẽ áp dụng với toàn bộ các sản phẩm kể cả dầu cọ thô, chứ không phải chỉ riêng dầu ăn như thông báo một ngày trước đó, theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, việc cung cấp dầu ăn cho 270 triệu cư dân của đất nước là ưu tiên cao nhất của Chính phủ. Ông khẳng định, động thái này sẽ giúp đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
Indonesia – quốc gia sản xuất tới 60% lượng dầu cọ trên toàn thế giới, với 1/3 sản lượng được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Ấn Độ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Pakistan là những khách hàng xuất khẩu chính của Indonesia. Mặc dù vậy, người dân trong nước lại gặp khó khăn khi mua dầu ăn.
Tình trạng thiếu hụt kéo dài trong nhiều tháng đã trở nên trầm trọng hơn do quy định lỏng lẻo và các nhà sản xuất không muốn bán ở thị trường nội địa, do giá ở thị trường quốc tế cao hơn và đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Chính phủ nước này khẳng định sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khi nhu cầu trong nước được đảm bảo. Và sẽ nối lại xuất khẩu khi giá bán buôn của dầu ăn ở thị trường nội địa giảm xuống còn 14.000 rupiah/lít (97 US cent/lít), sau khi tăng 70% lên 26.000 rupiah/lít (1,8 USD/lít) trong những tuần gần đây.
Trong những tuần qua, dầu thực vật là một trong số các mặt hàng thực phẩm có giá tăng cao kỷ lục.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters, The Daily Star