menu search
Đóng menu
Đóng

Lạm phát toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản

09:05 06/09/2022

Lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh… Bóng đen lạm phát dường như đã bắt đầu ảnh hưởng đến XK thủy sản của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản Việt Nam nửa đầu năm 2022 đạt tăng trưởng cao kỷ lục 40% bất chấp lạm phát và bất ổn địa chính trị trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ tháng 7/2022 đến nay, cùng với khó khăn về nguồn nguyên liệu, bóng đen lạm phát dường như đã bắt đầu che mờ bức tranh XK thủy sản của Việt Nam. Lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh…
Trong nửa đầu tháng 8/2022, tác động từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cộng với biến động tỷ giá trên thị trường thế giới đã khiến cho XK thủy sản gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cho biết đối tác thông báo tạm ngừng ký đơn hàng mới.
Không còn lạc quan như tháng trước, tác động từ biến động tỷ giá đồng Euro và Yen Nhật đang khiến cho các doanh nghiệp XK thủy sản lo lắng. Lạm phát đang khiến người dân các nước châu Âu, Hoa giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến hết tháng 10.
Chế biến thủy sản càng bất lợi hơn khi nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước đang có dấu hiệu sụt giảm về các tháng cuối năm. Nhiều nhà máy sẽ đối mặt cùng lúc 2 sức ép. Đó là giảm giá XK, nhưng phải tăng giá thu mua nguyên liệu do nguồn cung thiếu.
Theo phân tích của bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, tại thị trường Mỹ, tỷ lệ lạm phát tới tháng 6/2022 lên tới 9,1% là mức kỷ lục từ năm 1981, tới tháng 7 đã thấp hơn một chút nhưng vẫn ở mức cao 8,5%. Sau khi tăng vọt 85% trong tháng 4, XK thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5 và chuyển sang tăng trưởng âm từ tháng 6 với mức giảm 8% so với cùng kỳ. Sang tháng 7, XK thủy sản sang Mỹ giảm sâu hơn, ở mức giảm 30,5%.
Trong đó, XK tôm sú giảm mạnh nhất 69%, tôm chân trắng giảm gần 55%. XK cá tra sang Mỹ tháng 7 cũng giảm 4%. Ghẹ cũng nằm trong top 5 loài thủy sản được XK nhiều sang thị trường này, nhưng đã giảm 22% trong tháng 7. Tuy nhiên, trong tháng 7 vẫn có nhiều mặt hàng thủy sản sang Mỹ có tăng trưởng cao như cá ngừ tăng 34%. Ngoài ra, XK cá trích sang Mỹ tăng gấp gần 8,5 lần so với cùng kỳ, cá trích là sản phẩm XK có kim ngạch cao thứ 7 trong các sản phẩm thủy sản sang thị trường này...
Lạm phát ở khu vực đồng euro cũng tăng cao kỷ lục trong tháng 7/2022, với mức 8,9% bởi chiến sự Nga – Ukraine khiến giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng cao. Cơn bão lạm phát đang chặn đứng sự hồi phục nhu cầu của thị trường sau đại dịch Covid.
XK thủy sản Việt Nam sang EU tăng trưởng 31% trong quý 2, nhưng sang tháng 7, mức tăng trưởng đã hạ xuống còn 18%. Ngoài vấn đề lạm phát thì đồng Euro mất giá so với đồng USD cũng sẽ ảnh hưởng đến XK thủy sản Việt Nam sang khối thị trường này. Tính đến hết tháng 7/2022, tổng XK thủy sản sang EU đạt 818 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ.
Cũng giống các nước EU, thị trường Anh cũng quay cuồng trong vòng xoáy lạm phát với mức cao kỷ lục 40 năm, với tỷ lệ 10,1% tính đến tháng 7. Cùng tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế Nga, Anh cũng bị điêu đứng vì lạm giá phát thực phẩm. XK thủy sản của Việt Nam sang Anh quý 2 năm nay đã giảm 12%, sang tháng 7 tiếp tục giảm 18%.
Một yếu tố quan trọng khác là dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới nên các nhà nhập khẩu cũng không vội ký hợp đồng dồn dập như giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022. Chính vì vậy, xuất khẩu thủy sản sẽ gian nan trong 5 tháng cuối năm 2022.
Bên cạnh những khó khăn, các doanh nghiệp thủy sản cũng có nhiều cơ hội đối với các sản phẩm thủy sản giá tốt. Theo nhận định của lãnh đạo VASEP, việc thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản ở châu Âu đang tạo “cơ hội vàng” để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở 2 thị trường này. Nếu trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt 2,7 USD/kg, thì trong 6 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg. Giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn tăng mạnh hơn, đã lên tới mức 4,5 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay, trong khi trước đây cá tra xuất khẩu vào Mỹ thường chỉ đạt từ 2,9-3,1 USD/kg.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, lạm phát cao ở các nước lớn thúc đẩy tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ. Mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam luôn giữ được giá tốt, nên xuất khẩu trong thời gian qua khá thuận lợi.
Cùng với khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát sẽ khiến cho XK thủy sản Việt Nam nửa cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn lạc quan vào con số XK thủy sản trên 10 tỷ USD cho năm 2022.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc