menu search
Đóng menu
Đóng

Malaysia đặt mục tiêu lấy lại thị phần dầu cọ tại EU trong bối cảnh thiếu hụt toàn cầu

16:48 17/05/2022

Malaysia, nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, mới đây cho biết họ có kế hoạch tranh thủ tình trạng thiếu hụt dầu ăn toàn cầu và "căng thẳng chính trị ở châu Âu" hiện nay để giành lại thị phần sau khi người mua tránh mặt hàng này do lo ngại về môi trường.
 
Dầu cọ được sử dụng để làm mọi thứ từ son môi đến mì sợi, nhưng các nhà sản xuất hàng đầu Indonesia và Malaysia đã phải đối mặt với sự “tẩy chay” sau khi bị cáo buộc phá rừng nhiệt đới và tận dụng quá mức sức lao động của người nhập cư để nhanh chóng mở rộng các đồn điền.
Một số công ty đã giới thiệu "các sản phẩm không chứa dầu cọ" trong những năm gần đây, và Liên minh châu Âu (EU) - nước nhập khẩu cọ lớn thứ ba thế giới - đã quyết định loại bỏ nhiên liệu sinh học dựa trên dầu cọ vào năm 2030.
Các nhà bán lẻ như chuỗi siêu thị Iceland của Anh đã loại bỏ dầu cọ khỏi thực phẩm mang thương hiệu riêng từ năm 2018. Nhưng những tháng gần đây họ đã buộc phải sử dụng lại mặt hàng gây tranh cãi này do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đã gây ra tình trạng thiếu hụt dầu ăn toàn cầu.
Zuraida Kamaruddin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ "sẽ không muốn bỏ qua cơ hội từ cuộc khủng hoảng này".
Bà nói: “Đã đến lúc chúng ta tăng cường nỗ lực chống lại những tuyên truyền bất lợi nhằm làm suy giảm uy tín của dầu cọ và thể hiện vô số lợi ích sức khỏe mà dầu cọ mang lại”.
Zuraida cho biết có khả năng giá dầu ăn toàn cầu vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 và nhu cầu của EU dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới do thắt chặt nguồn cung dầu hướng dương và đậu nành.
Tập đoàn dầu thực vật FEDIOL của EU mới đây cho biết lệnh cấm của Indonesia không phải là vấn đề đáng lo ngại vì họ có trữ lượng dầu cọ cho vài tuần.
Sự bất ổn về nguồn cung dầu hướng dương do xung đột giữa Nga - Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu dầu cọ và dầu đậu nành, góp phần làm “nóng” thị trường dầu thực vật khi các nhà nhập khẩu tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Zuraida cho biết Malaysia có thể hưởng lợi từ việc người tiêu dùng chuyển đổi các loại dầu thực vật thay thế như hiện tại và sẽ thực hiện "các nỗ lực và chiến dịch tích cực" để lấp đầy nguồn cung toàn cầu về lâu dài.
Malaysia và Indonesia chiếm 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu. Họ cho rằng các hạn chế của EU đối với nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ là phân biệt đối xử và đã đưa ra các vụ việc khác lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)

Tags: dầu cọ