Sô cô la - thực phẩm được ưa chuộng trên khắp thế giới - đang tăng giá mạnh, nguyên nhân đều đến từ loại hạt này.
Nguồn cung hạt ca cao đang bước vào giai đoạn căng thẳng, đây là một thành phần cực quan trọng của loại thực phẩm được ưa chuộng trên toàn thế giới: sô cô la.
Thị trường ngày 6/9, giá ca cao kỳ hạn trên sàn ICE London đạt mức cao mới trong 46 năm khi những lo ngại về nguồn cung vẫn tồn tại trong bối cảnh báo cáo thời tiết bi quan ở Tây Phi, trong khi đường trắng rời khỏi mức cao nhất trong 12 năm.
Ca cao London tháng 12/2023 tăng 21 pound, tương đương 0,7%, lên 2.981 pound/tấn, sau khi đạt mức giá cao nhất kể từ năm 1977 là 3.001 pound.
Diễn biến giá ca cao trong vòng 5 năm qua (Nguồn: Trading Economics)
Các đại lý trích dẫn những lo ngại về diễn biến thời tiết gần đây ở Tây Phi, khu vực sản xuất hàng đầu, đang làm tăng thêm lo ngại hiện tại rằng thị trường đang hướng tới thâm hụt thứ ba liên tiếp trong mùa vụ 2023/24 (từ tháng 10 đến tháng 9). Khu vực này dự kiến sẽ có lượng mưa vừa đến cao trong 10 ngày tới, điều này có thể làm chậm quá trình thu hoạch ca cao.
Theo ước tính của Bloomberg, sản lượng thu hoạch hạt ca cao của Bờ Biển Ngà sẽ giảm 20% vào năm 2023 so với năm 2022. Ở Ghana, sản lượng ca cao được dự đoán sẽ giảm xuống dưới mức trung bình trong lịch sử. Thực trạng thiếu hụt ca cao nguyên liệu đã buộc các nhà sản xuất chocolate chính là Lindt và Hershey Co. đưa ra cảnh báo về khả năng tăng giá bán các mặt hàng hơn nữa.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng trong ngành có thể ảnh hưởng không chỉ đến số lượng sản phẩm mà còn cả chất lượng. Ngoài giá cao hơn, các công ty sô cô la có thể giảm kích thước các thanh sô cô la của họ, Bloomberg cho biết.
Theo cơ sở dữ liệu giá hàng hóa thực phẩm Mintec, một thành phần quan trọng khác tạo nên một thanh sô cô la là bơ ca cao. Loại bơ này cũng đã tăng giá 20,5% kể từ đầu năm đến nay.
Tại Việt Nam, sản lượng hạt ca cao hàng năm đạt khoảng 4.500 tấn, chỉ chiếm khoảng 0,1% sản lượng của thế giới (hơn 4 triệu tấn/năm). Ca cao được trồng xen kẽ với các loại cây khác như điều, dừa, cây ăn trái,... Điều này khác hoàn toàn với phương cách trồng chuyên canh ở các nước xuất khẩu ca cao lớn khác trên thế giới.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ca cao được trồng chủ yếu ở một số địa phương là Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh. Ở Tây Nguyên, ca cao được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng, Đắc Lắk, Đắk Nông. Ở Đông Nam Bộ, ca cao được trồng chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thị trường hạt ca cao thế giới phân ra 2 loại : loại hạt “hương vị “ và loại hạt “thường” . Loại hạt “hương vị” là từ giống cây Criollo hoặc Trinitario, trong khi loại hạt “thường” là từ giống cây Forastero.
Giống ca cao được trồng ở Việt Nam là giống lai Trinitario là giống có chất lượng cao nằm trong top 10% loại hạt “hương vị” trên toàn thế giới. Do đó, mặc dù sản lượng chỉ chiếm phần nhỏ nhưng hạt ca cao của Việt Nam lại được thế giới đánh giá cao bởi hương vị độc đáo, khác biệt với hạt ca cao được trồng ở châu Phi.
Tháng 10/2013 tại cuộc thi Salon du Chocolat tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp, hạt ca cao Việt Nam đã được bầu chọn là hạt cacao tốt nhất Châu Á -Thái Bình Dương và tổ chức cacao thế giới (ICCO) đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước sản xuất cacao hương vị tốt hàng đầu thế giới.
Nguồn:Khánh Vy/Nhịp sống thị trường