menu search
Đóng menu
Đóng

Nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong tháng cuối năm 2023 và triển vọng mặt hàng này trong năm 2024

07:39 10/01/2024

Các đại lý cho biết, nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ đã tăng mạnh trong tháng 12/2023, đạt mức cao nhất 4 tháng, do lượng mua palmolein tinh chế tăng mạnh khi giá cả cạnh tranh.
Lượng mua mạnh từ nhà nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới này có thể giúp giảm tồn kho dầu cọ tại các nhà sản xuất hàng đầu Indonesia và Malaysia, đồng thời hỗ trợ giá dầu cọ kỳ hạn.
Theo ước tính từ các đại lý, nhập khẩu dầu cọ trong tháng 12/2023 của Ấn Độ đạt 886.000 tấn, tăng 1,9% so với tháng 11/2023. Nhập khẩu dầu cọ tinh chế trong cùng thời điểm đạt 252.000 tấn, tăng 47%.
Chi phí cập bến của RBD tinh chế tại cảng Mumbai thấp hơn khoảng 25 USD/tấn so với dầu cọ thô.
Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) có thể sễ công bố số liệu nhập khẩu trong tháng 12/2023 vào giữa tháng 1 này.
Nhập khẩu dầu hướng dương trong tháng 12/2023 đã tăng gấp đôi, đạt 263.000 tấn – mức cao nhất trong 3 tháng.
Theo đó, nhập khẩu dầu cọ và dầu hướng dương đều tăng đã nâng tổng lượng dầu ăn nhập khẩu của Ấn Độ lên mức 1,3 triệu tấn, tăng 13,3% so với một tháng trước đó.
Các đại lý ước tính, nhập khẩu dầu đậu tương trong tháng 12/2023 của Ấn Độ đã tăng 1,4% so với tháng 11, đạt 152.000 tấn, nhưng thấp hơn nhiều so với mức nhập khẩu trung bình 306.000 tấn trong năm tiếp thị vừa qua.
Ấn Độ nhập khẩu dầu cọ chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi nhập khẩu dầu đậu tương và dầu hướng dương từ Argentina, Brazil, Nga và Ukraine.
Trong năm tiếp thị kết thúc vào ngày 31/8/2023, xuất khẩu dầu hướng dương của Ukraine đã tăng 27,3% lên 5,7 triệu tấn và do thu hoạch được nhiều hạt giống nên xuất khẩu dầu hướng dương của Nga cũng tăng 28,6% lên 4,1 triệu tấn. Điều này đã khiến giá dầu hướng dương giảm xuống thấp hơn giá dầu đậu tương, thậm chí ở châu Âu còn giảm giá so với giá dầu cọ. Thông thường, giá dầu hướng dương giao dịch cao hơn giá dầu đậu tương, tiếp theo là giá dầu cọ.
Dầu đậu tương, sản phẩm thay thế dầu cọ quan trọng và là yếu tố quyết định giá dầu cọ, cũng bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết El Niño. Điều kiện thời tiết khô và nóng hơn của El Niño ở Đông Nam Á đã ảnh hưởng đến Indonesia vốn là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất. Với tác động của El Niño đối với sản xuất dầu cọ thường thấy ít nhất một năm sau đó, sản lượng dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024.
Thị trường dầu ăn hiện đang phục hồi sau áp lực bán đáng kể đối với dầu hướng dương trong vài tháng qua. Xu hướng sản xuất theo mùa, điều kiện khí hậu nóng hơn và nhu cầu nhiên liệu sinh học ngày càng tăng dự kiến sẽ gây áp lực tăng giá dầu cọ.
Với điều kiện thời tiết El Niño đang diễn ra, ảnh hưởng theo mùa và chênh lệch giá cả, giá dầu cọ thô dự kiến sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian tới. Có những rủi ro tăng giá tích cực có thể dẫn đến giá được duy trì trên 4.000 ringgit/tấn như sản lượng đậu tương và hạt hướng dương thấp hơn dự kiến, cũng như sự hội tụ kỹ thuật giữa giá dầu cọ và đậu tương sẽ thu hẹp khoảng cách chiết khấu.
Rủi ro giảm giá đối với những ước tính này bao gồm nhu cầu thấp hơn dự kiến từ Ấn Độ và Trung Quốc, việc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu của Indonesia, điều kiện thời tiết thuận lợi và sản lượng dầu ăn cao hơn dự kiến.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo mức tiêu thụ dầu cọ toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng 4,9% đạt 77,2 triệu tấn. Ngoài ra, Biên bản ghi nhớ (MoU) được ký giữa Trung Quốc và Malaysia nhằm đảm bảo nguồn cung dầu cọ cũng sẽ hỗ trợ nhu cầu về dầu cọ.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Ukragroconsult, BusinessToday