menu search
Đóng menu
Đóng

Nhập khẩu trái cây của Trung Quốc tăng gấp đôi trong 10 năm

08:47 16/11/2022

Trong thập kỷ qua, tổng thương mại hàng hóa của Trung Quốc liên tục tăng, dẫn đầu thế giới trong 5 năm liên tiếp kể từ năm 2017. Đồng thời, tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ của nước này cũng đứng đầu trên thế giới vào năm 2020.
 

Zheng Yuqiang, một đại lý trái cây ở Bắc Kinh, cho biết những năm trước họ hiếm khi bán mít nhập khẩu, nhưng giờ họ có thể bán hơn chục tấn mỗi ngày. Tại thị trường bán buôn của Bắc Kinh, số lượng các loại trái cây nhập khẩu đang tăng lên hàng năm.

Xiao Yang, người mới kinh doanh năm ngoái, đã mở một cửa hàng chuyên bán sầu riêng Musang King từ Malaysia. Ông nói với các phóng viên rằng loại trái cây nhập khẩu đắt tiền này ngày càng bán chạy hơn kể từ khi xuất hiện tại thị trường Trung Quốc vào năm 2019. Trong mười năm qua, bơ Philippines, chuối Campuchia, cam quýt Lào, lê Nam Phi và ngày càng nhiều trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc.

Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hơn 7 triệu tấn trái cây, tăng gấp đôi so với khoảng gần 3,45 triệu tấn của năm 2012. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao như trái cây, quy mô nhập khẩu thiết bị, công nghệ tiên tiến, linh kiện, phụ tùng thiết yếu và các sản phẩm khác cũng liên tục mở rộng trong 10 năm qua, ngày càng đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất trong nước và đời sống của nhân dân. Điều này cho phép thế giới chia sẻ nhiều cổ tức hơn nhờ sự tăng trưởng trong kinh tế Trung Quốc mang lại. Năm 2021, tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc đạt 17,37 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 51,2% so với năm 2012.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tự nguyện giảm thuế đối với hàng hóa, trong đó mức thuế tổng thể giảm từ 9,8% của năm 2012 xuống 7,4% vào năm 2021. Các hình thức thương mại và động lực mới liên tục được đưa ra, quy mô thương mại điện tử xuyên biên giới xuất nhập khẩu tăng gần 10 lần trong 5 năm qua.

Từ 24,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2012 tăng lên 39,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2021, tổng giá trị thương mại hàng hóa của Trung Quốc đã tiếp tục tăng trong 10 năm qua và thị phần quốc tế cũng tăng từ 10,4% năm 2012 lên 13,5% vào năm 2021. Điều này đã củng cố vị trí là quốc gia lớn nhất thế giới về giao thương hàng hóa.

Hiện nay, ngày càng có nhiều nền tảng mở cấp cao như CIIE, CIFTIS và CICG. Trung Quốc đã thiết lập 21 khu thương mại tự do và 1 cảng thương mại tự do dành cho các đối tác thương mại tự do trên năm châu lục. Trong mười năm qua, đóng góp bình quân của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 38,6%, dẫn đầu thế giới.

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)