Tổng sản lượng vải giảm
Theo ông Dương Văn Thái, tổng diện tích vải thiều năm 2016 toàn tỉnh Bắc Giang là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm 2015, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015. Mức giảm này do thời tiết không thuận lợi. Sản lượng vải chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn, chiếm 17,7%; vải thiều chính vụ là 107.000 tấn, chiếm 82,3%.
Sản lượng vải thiều tập trung ở các huyện Lục Ngạn ước đạt 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Lạng Giang 6.500 tấn, Yên Thế 12.000 tấn và Sơn Động 5.700 tấn.
Về chất lượng vải thiều, ông Thái cũng cho biết, ở bình diện chung năm nay vải có chất lượng cao hơn những năm trước. Tính riêng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap là 12.560 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.
Trong đó, huyện Lục Ngạn được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Vải được trồng tại đây có chất lượng đặc biệt, được chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng. Sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn, đảm bảo điều kiện xuất sang Mỹ, Úc, EU...
Mở rộng thị trường
Theo ông Thái, dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%. Thị trường trong nước chủ yếu ở các siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM và các tỉnh phía Nam…
Đối với sản lượng xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Lào, Campuchia năm nay tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Úc, EU…
“Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vải thiều để đưa vào thị trường Mỹ, Úc, EU… Một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu vải thiều như Công ty TNHH Thanh Bình Jeune (Pháp), Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội), Công ty Liên doanh xuất nhập khẩu Teanda (TPHCM) đã đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, EU... Một số doanh nghiệp trên địa bàn đang xúc tiến, tiếp cận thị trường Trung Đông”, ông Thái nói với TBKTSG Online.
Cũng theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vào vụ thu hoạch vải thiều, toàn tỉnh có khoảng gần 3.000 điểm thu mua lớn nhỏ, với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước về thu mua và giám sát tiêu thụ vải thiều, trong đó riêng thương nhân là người Trung Quốc đến thu mua là trên 200 người.
Ông Thái cho biết nhằm đẩy mạnh công tác tiêu thụ vải thiều, ngoài tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cải tiến kiểu dáng bao bì, nhãn hiệu hàng hóa thì ngày 13-6 tới UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Lạng Sơn. Ngày 20-6 là hội nghị xúc tiến tại TPHCM, sau đó tổ chức tuần lễ vải thiều tại Hà Nội từ ngày 24-6-2016.
Được biết, năm 2015, thu hoạch vải thiều của Bắc Giang đạt sản lượng cao, được giá, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thuận lợi. Giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 2.900 tỉ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 1.700 tỉ đồng (80 triệu đô la Mỹ). Thị trường tiêu thụ có sự chuyển dịch tích cực, tiêu thụ tại thị trường nội địa chiếm 55% tổng sản lượng, thị trường xuất khẩu chiếm 45%. Lần đầu tiên vải thiều tươi của Bắc Giang đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Nhật Bản, Malaysia…
Lý giải nguyên nhân dự kiến giảm tổng sản lượng xuất khẩu (từ 45% năm 2015 xuống còn 40% năm 2016), ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết từ trước tới nay, xuất khẩu vải thiều sang thị trường truyền thống Trung Quốc luôn chiếm 90% trong tổng số sản lượng xuất khẩu, năm nay các đơn vị chức năng chủ động giảm sản lượng xuất khẩu sang thị trường này, tập trung vào việc tiêu thụ trong nước, đồng thời mở rộng, nâng cao giá trị xuất khẩu sang các thị trường mới (Anh, Mỹ, Pháp…).
Theo ông Tấn, việc làm này nhằm tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm trong nước, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời để khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm khi đưa sản phẩm vào những thị trường khó tính hơn.
“Kết quả thực tế cho thấy mức tiêu thụ tại thị trường trong nước tốt. Trái vải có thời gian thu hoạch ngắn theo đó tập trung thị trường trong nước cũng là cách để giá trị tiêu thụ đạt mức cao nhất”, ông Tấn khẳng định.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn online