menu search
Đóng menu
Đóng

Nông sản 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu

14:42 21/11/2024

Những con số xuất khẩu tỉ USD của lúa gạo, sầu riêng, tiêu, cà phê... vẫn không thể khỏa lấp một thực tế đáng lo ngại: nông sản nói riêng và nông nghiệp nói chung đang "ngấm đòn" mưa bão, nắng hạn ngày càng bất thường, khắc nghiệt.
Sầu riêng điêu đứng vì hết hạn hán đến mưa bão
Từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời điểm nhiều nhà vườn ở ĐBSCL thu hoạch sầu riêng vụ nghịch. Năm nay, có lúc giá sầu riêng lên tới 200.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần bình thường và cao hơn cùng kỳ năm trước từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa của việc tăng giá là do mất mùa.
Tìm về H.Chợ Mới (An Giang), nơi đầu nguồn sông Cửu Long quanh năm nước ngọt, đất đai màu mỡ mới thấy hết sự khắc nghiệt của thời tiết đối với nhà nông. Ngoài trồng lúa, những năm gần đây nhiều nông dân chuyển sang trồng sầu riêng. Là cây trồng mới nên sầu riêng vùng này phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Bên cạnh đó, nhờ nắm vững kỹ thuật và tận dụng lợi thế tự nhiên sẵn có nên bà con mạnh dạn canh tác sầu riêng vụ nghịch. Anh Lê Trường Giang, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và Chủ nhiệm CLB nông dân tỉ phú xã Long Kiến, cho biết: Năm ngoái sầu riêng vụ nghịch trúng mùa, được giá. Thời điểm gần tết Nguyên đán, một thành viên trong CLB bán được giá cao nhất là 190.000 đồng/kg. Còn năm nay, có lúc giá vượt 200.000 đồng/kg. Hiện giá giảm còn 195.000 đồng/kg sầu riêng giống Thái (loại A), vẫn là mức cao.
Tuy nhiên, giá cao vẫn không thể khỏa lấp sự lo lắng của anh Giang. Đảm nhận khâu kỹ thuật cho nhiều bà con trong vùng, anh thừa nhận: Trong những vườn anh phụ trách kỹ thuật, có một vườn 10 ngày nữa là đến ngày thu hoạch, dù được xem là trúng mùa cũng chỉ đạt tỷ lệ khoảng 80%, trong khi những năm trước hầu hết các vườn đạt tỷ lệ đến 90%. Thời tiết bất lợi là nguyên nhân chính khiến sầu riêng vụ nghịch mất mùa.
"Mưa nhiều nên độ ẩm cả trong đất lẫn không khí đều cao nên cây sinh trưởng mạnh - phát triển cành lá mà không chịu sinh sản. Khi xử lý cho cây ra hoa thì lại liên tục gặp các trận mưa đêm khiến hoa không thụ phấn được. Đối với những vườn cho thu hoạch được như hiện nay ngoài yếu tố áp dụng đúng kỹ thuật thì may mắn là không đụng các trận mưa đêm. Do thời tiết bất lợi nên chi phí đầu tư chăm sóc cho những vườn sầu riêng vụ nghịch cũng tăng khoảng 10% so với các năm trước. Ngay cả vườn nhà tôi cũng gặp phải mấy đợt mưa đêm, phải xử lý lại và đến giữa tháng 3 âm lịch mới cho thu hoạch. Thời điểm đó cũng là lúc chuẩn bị bắt đầu vào giai đoạn sầu riêng chính vụ", anh Giang chia sẻ.
Th.S Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Bộ môn Nông học - Viện Cây ăn quả miền Nam, thừa nhận vụ nghịch năm nay bà con miền Tây thất thu đáng kể. Nhiều nhà vườn ở Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang), Tháp Mười (Đồng Tháp) và Tân Thạnh (Long An) thành công lắm cũng chỉ đạt tỷ lệ từ 60 - 70%. Số cây đậu trái và tỷ lệ đậu trái đều thấp hơn nhiều so với những năm trước. Theo ông Sơn, có một số nguyên nhân như: Một số vườn khai thác liên tục khiến cây không có đủ thời gian phục hồi nên vụ này sản lượng không đạt, thời tiết mưa - nắng thất thường vào những đợt nhà vườn xử lý ra bông. Gặp mưa cây không thụ phấn được nên tỷ lệ đậu trái giảm mạnh.
Mưa khổ, nắng còn khổ hơn. Vào đỉnh điểm của mùa nắng nóng và khô hạn tháng 3, 4 vừa rồi, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng ở Đông Nam bộ và Tây nguyên khổ sở vì thiếu nước tưới, cây trụi lá, nhiều cây chết khô. Ông Nguyễn Thanh Hòa, một thành viên của HTX Nông nghiệp Đạ M'ri (H.Đạ Huoai, Lâm Đồng), nhớ lại: "Thời điểm đó, nắng nóng gay gắt lắm. Mình đứng ở dưới gốc sầu riêng thì nhiệt độ khác mà trèo lên đọt cây chỉ cao hơn mấy mét thôi là đã thấy nắng nóng tăng liền mấy độ. Phần đọt non, yếu nên rất dễ tổn thương. Nó chết dần từ đọt xuống thân, gốc".
"Vườn tôi khá gần nguồn nước sông nên may mắn còn cứu được để thu hoạch. Nhiều vườn ở xa phải đi xin kéo nhờ đường ống từ vườn này qua vườn kia, có khi đến 7 - 8 km đường ống. Xa nguồn nước, nhiều vườn phải bỏ trái chỉ mong làm sao cứu cây chờ mùa sau", ông Hòa nói và cho biết thêm: "Nắng nóng khiến tỷ lệ đậu trái giảm và nhiều trái không đạt chuẩn xuất khẩu. Đợt vừa rồi vườn tôi thu hoạch mùa thứ hai, năng suất dự tính trong điều kiện bình thường là 20 tấn/ha nhưng do nắng nóng và khô hạn chỉ còn 15 tấn/ha".
Ông Hòa là một trong những trường hợp may mắn còn có thu hoạch vì theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, toàn H.Đạ Huoai vào thời điểm đó có gần 800 ha cây trồng thiếu nước, chủ yếu là sầu riêng. Nhiều nơi trên địa bàn huyện 5 tháng liền không có mưa khiến sông, suối, ao hồ cạn trơ đáy. Nhiều nhà vườn để cứu cây đã đầu tư cả trăm triệu đồng đào giếng nhưng vẫn không tìm được nước.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), cho hay năm nay thời tiết bất lợi nên sản lượng sầu riêng của VN lẫn Thái Lan bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, VN vẫn gia tăng được sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhờ diện tích thu hoạch mới tăng và nhiều vườn sầu riêng bước vào tuổi trưởng thành nên sản lượng tăng. Sự bù đắp này khiến chúng ta ít nhận thấy tác động của thời tiết lên sản lượng. Ngoài ra, năm 2019, diện tích trồng sầu riêng của VN chỉ khoảng 60.000 ha, đến nay diện tích đã đạt trên 150.000 ha, nên sản lượng cũng tăng theo.
Nhiều nông sản tỉ USD "ngấm đòn"
Hai loại cây tỉ USD khác là cà phê và hồ tiêu cũng mệt mỏi dưới tác động của biến đổi khí hậu. May nhờ giá cứu lại nên dù sản lượng lẫn diện tích đều giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Thông Hạ ở TT.Di Linh (Lâm Đồng) nói mấy ngày gần đây ở địa phương xuất hiện sương muối. Tuy không ảnh hưởng nhiều đến cây cà phê nhưng khiến những người trồng rau màu phục vụ tết bị ảnh hưởng rất nhiều. Còn với cà phê thì khốn khổ nhất là tình trạng nắng nóng hồi đầu năm. Thông thường trong mùa khô người dân tưới cà phê 2 - 3 lần. Nhưng mùa khô vừa qua do tình trạng nắng nóng và khô hạn đặc biệt gay gắt nên nhiều người phải tưới đến 5 - 6 lần. Nhưng đã khô hạn thì nhiều nơi không có đủ nước tưới. Nắng nóng và khô hạn gay gắt bắt đầu ngay lúc hoa cà phê vừa rụng, chuyển sang quá trình kết quả, khiến trái trụng dần. Cũng vì thiếu nước nên trọng lượng mỗi trái và hạt cũng nhỏ hơn các niên vụ trước.

Nông sản 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu- Ảnh 2.

Nhiều cây cà phê rụng hết trái sau mùa khô hạn.
ẢNH: HOÀNG NGUYỄN
Tại thủ phủ cà phê Đắk Lắk, ông Trần Đình Trọng ở HTX cà phê Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột) ước tính nắng nóng và khô hạn khiến năng suất cà phê của HTX và địa phương được nhiều người dự báo giảm khoảng 10%.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN (VICOFA): Niên vụ cà phê 2023 - 2024 vừa qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây nên tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sản lượng cà phê một số vùng ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… Ước sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn, tiếp tục giảm thêm từ 5 - 10% so với niên vụ trước. "Thực tế thì sự tác động của biến đổi khí hậu đến cây cà phê cũng như sản xuất nông nghiệp nói chung là rất lớn nhưng để xác định con số và mức độ cụ thể thì rất khó khăn và cần có nghiên cứu khoa học cụ thể để bóc tách từng yếu tố", ông Hải nhận định.
Về hoạt động xuất khẩu, trong 10 tháng của năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng nên kim ngạch vẫn tăng tới 40% và đạt 4,6 tỉ USD. Do sản lượng cà phê nội địa giảm nên các doanh nghiệp VN cũng tăng cường nhập khẩu; tính đến hết tháng 10, lượng cà phê nhập khẩu của VN đạt gần 140.000 tấn, tăng đến 36% so với cùng kỳ năm trước.
Về hồ tiêu, tại H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), một trong những vùng trồng tiêu lớn ở Đông Nam bộ, nhiều nông dân cho biết do thời tiết bất lợi nên năng suất tiêu năm nay giảm đến 30% so với trung bình những năm trước. Hồ tiêu là loại cây nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường nên thường xảy ra mất mùa. Năm nay, mưa đến muộn, thời tiết khô nóng và độ ẩm thấp không thuận lợi cho hồ tiêu ra hoa. Vào thời điểm xử lý cho cây ra hoa, nắng gay gắt kéo dài và tình trạng khô hạn khiến cây ngừng phát triển đọt. Những cây ra được hoa cũng bị rụng hàng loạt, tỷ lệ đậu trái rất thấp. Theo Tổng cục Hải quan VN, trong 10 tháng năm 2024 xuất khẩu hồ tiêu đạt trên 220.000 tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng đến 48% nên giá trị xuất khẩu vẫn đạt 1,12 tỉ USD.
Quá trình không thể đảo ngược
Năm 2024 là năm rực rỡ của hoạt động xuất khẩu gạo VN khi tăng cả về lượng và kim ngạch. Trong 10 tháng năm 2024, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 7,8 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu cũng tăng mạnh, đạt gần 4,9 tỉ USD, tăng 23%. Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2024, VN có thể xuất khẩu tới 8,9 triệu tấn gạo, con số kỷ lục từ trước tới nay.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, VN cũng sẽ trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ ba thế giới với khoảng 3,2 triệu tấn. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, đối với lĩnh vực sản xuất lúa gạo của VN thì các điều kiện về đất đai, năng suất đã đạt đến điểm tới hạn. Chính vì vậy, việc lượng xuất khẩu tăng thì lượng nhập khẩu tăng cũng là điều bình thường vì lượng không thể cứ tăng mãi. Trong các báo cáo sắp tới của ngành nông nghiệp cũng cần cập nhật thêm số liệu về nhập khẩu gạo để làm rõ hơn những thông tin này.
Ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Nếu ĐBSCL là một trong những vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nhất ở VN thì Sóc Trăng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất ở khu vực này. Để thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, địa phương luôn tuân thủ các giải pháp thích ứng như hướng dẫn của Bộ NN-PTNT như áp dụng lịch thời vụ linh hoạt nhằm né hạn mặn, sản xuất theo vùng sinh thái và luân canh lúa - tôm ở những vùng nước lợ, áp dụng quy trình sản xuất mới để đạt hiệu quả tốt. Vừa rồi do giá lúa gạo tăng cao nên một số bà con ở các khu vực ven biển không tuân thủ đúng lịch thời vụ, nên bị thiếu nước tưới do mặn xâm nhập sâu, khiến mất trắng mấy chục héc ta.

Nông sản 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu- Ảnh 3.

Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Thanh Hòa (áo xanh) ở Đạ Huoai (Lâm Đồng) ước giảm năng suất khoảng 5 tấn/ha vì khô hạn
ẢNH: CHÍ NHÂN
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, phân tích: Biến đổi khí hậu là quá trình không thể đảo ngược. Các nghiên cứu trên thế giới gần đây cho thấy tác động của biến đổi khí hậu gây thiệt hại kinh tế cả trăm tỉ USD mỗi năm. Để làm chậm quá trình này, đầu tiên chúng ta phải có chiến lược làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, trong nông nghiệp cần đầu tư mạnh vào công tác nghiên cứu khoa học để phát triển các giống mới thích nghi tốt hơn, có khả năng chống hạn, chịu mặn, có giá trị dinh dưỡng cao hơn.
Thực tế, giá nhiều nông sản tăng mạnh mấy năm nay là do nhiều nước dưới tác động của biến đổi khí hậu đã không đủ lương thực, thực phẩm, rau quả tiêu thụ và dự trữ, tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu nông sản mạnh, trong đó có VN. Tuy nhiên, dù kim ngạch vẫn tăng song nông nghiệp nói riêng và nông sản nói chung vẫn đang "ngấm đòn" thời tiết và cần có chiến lược dài hạn để thích ứng với điều kiện mới.

Những vựa lúa, sầu riêng, cà phê bị tác động mạnh

Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết vào lúc cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn tại Tây nguyên có đến 139 hồ chứa nhỏ cạn nước. Dung tích các hồ chứa ở thời điểm đó chỉ còn 34% so với dung tích thiết kế. Có hàng ngàn héc ta cây trồng ở Tây nguyên đối diện tình trạng khô hạn và thiếu nước; nghiêm trọng nhất là Đắk Lắk 2.056 ha và Đắk Nông 10.721 ha.

Trong khi đó, ở vùng ĐBSCL, ngoài tình trạng nắng nóng và khô hạn thì còn đối mặt với xâm nhập mặn vào sâu trong các nhánh sông chính. Cũng vào thời điểm cuối tháng 4, tại ĐBSCL toàn bộ các nhánh sông Cửu Long bị xâm nhập mặn vào sâu hơn so với đợt mặn lịch sử 2016 từ 3 - 8 km; tại Long An có đến 4.642 ha và Sóc Trăng 1.531 ha bị ảnh hưởng.

Cần phát triển những phương pháp, kỹ thuật sản xuất mới để thích nghi tốt hơn với sự biến đổi của khí hậu. Ví dụ với cây lúa, kỹ thuật sản xuất mới đang được đẩy mạnh phổ biến là giảm giống, giảm phân bón kết hợp với tưới ngập khô xen kẽ. Phương pháp này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần giảm phát thải vào môi trường.

GS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN

Nguồn:Chí Nhân - Quang Thuần/Thanh Niên

Link gốc