Theo Hiệp hội dầu cọ Indonesia (Gapki), xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 4/2023 đã sụt giảm tới 19,2% so với tháng trước đó, từ mức 2,6 triệu tấn xuống còn 2,1 triệu tấn, trong đó chủ yếu là dầu cọ thô (CPO) chiếm 1,6 triệu tấn. Trong một thông cáo báo chí, Gapki cho biết khối lượng xuất khẩu trong tháng 4/2023 đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, ngoại trừ tháng 5/2022 khi Indonesia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ.
Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2023, Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng 8,9 triệu tấn dầu cọ, giảm so với mức 10,6 triệu tấn vào cùng kỳ năm ngoái.
Lượng dầu cọ xuất khẩu cả năm 2022 của quốc gia Đông Nam Á này đã đạt 33,9 triệu tấn. Báo cáo tháng 4 của Gapki cũng cho thấy lượng dầu cọ xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm rất mạnh tới 48,7%, trong khi xuất khẩu sang các nước châu Phi ngoại trừ Ai Cập cũng giảm tới 47,3%. Mức sụt giảm đối với 2 thị trường trọng điểm khác là Ấn Độ và Mỹ lần lượt là 36,5% và 29,7%.
Nguồn thu từ xuất khẩu dầu cọ của Indonesia cũng giảm từ mức 2,4 tỷ USD trong tháng 3/2023 xuống còn 1,96 tỷ USD trong tháng 4/2023. Gapki cho rằng sự sụt giảm này là do giá CPO lao dốc, từ mức 1.031 USD/tấn CIF Rotterdam trong tháng 3/2023 xuống còn 1.025 USD/tấn vào tháng 4/2023.
Theo Gapki, trị giá xuất khẩu dầu cọ trong tháng 4/2023 đạt mức thấp nhất mà Indonesia ghi nhận được trong 11 tháng qua. Trong khi đó, tiêu thụ dầu cọ trong nước đạt 1,89 triệu tấn vào tháng 4/2023, trong đó 776.000 tấn là dầu diesel sinh học, chỉ nhỉnh một chút so với mức 1,81 triệu tấn trong tháng 3/2023.
Gapki cũng cho biết, sản lượng của quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới này đã đạt 4,5 triệu tấn trong tháng 4/2023, nâng tổng sản lượng 4 tháng đầu năm 2023 lên mức 17,8 triệu tấn. Năm 2022, sản lượng dầu cọ của Indonesia đã đạt 51,2 triệu tấn.
Trong báo cáo tháng 6 của FAO cho thấy, sản lượng dầu thực vật trên thế giới vào cuối niên vụ hiện tại sẽ đạt kỷ lục 253,4 triệu tấn, tăng 2,7% cả năm trong bối cảnh thu hoạch được dự đoán ở mức cao.
Sự gia tăng dự kiến trong sản xuất dầu cọ, dầu đậu tương và hạt cải dầu sẽ bù đắp lại cho sự sụt giảm sản lượng dầu hướng dương, dầu ô liu và dầu dừa.
Theo dự báo sơ bộ, sản lượng dầu cọ toàn cầu sẽ tăng nhẹ trong năm 2022/23. Như vậy, ở Indonesia, mặc dù sản lượng dự kiến tăng nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn mức trung bình 5 năm qua, do mưa tại một số khu vực trồng hồi đầu năm.
Báo cáo của FAO cũng chỉ ra Malaysia cũng có diễn biến tương tự. Mặc dù tình trạng thiếu lao động trồng trọt đã dần được giải quyết, nhưng tốc độ tăng trưởng cũng có thể vẫn ở mức thấp.
Đối với dầu đậu tương và dầu hạt cải, sản lượng dự kiến tăng là do sản lượng của các loại hạt có dầu tương ứng dự kiến tăng, trong khi sản lượng hạt hướng dương ở khu vực Biển Đen giảm sẽ dẫn đến sản lượng dầu hướng dương toàn cầu giảm.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Jakartaglobe, Ukragroconsult